[Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Giải pháp nào triệt để?] Bài 2: Những lỗ hổng pháp lý

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ngăn chặn sự xuất hiện của những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, TP Hà Nội đã ban hành nhiều quy định về quản lý xây dựng, kiến trúc công trình trên các tuyến đường mới mở. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập nên đến nay, gần như ở bất cứ dự án nào sau khi giải phóng mặt bằng cũng xuất hiện những căn nhà có hình thù kỳ dị…

>>> Bài 1: “Đặc sản” trên các tuyến đường mới mở
Nhà siêu mỏng trên đường Võ Chí Công. Ảnh: Hải Linh
Kẽ hở trong quy định của luật
Liên quan đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện trên các tuyến đường mới mở, ông Trịnh Lê Đức – Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, một trong những nguyên nhân xuất phát từ bất cập tại các quy định hiện hành. Theo quy định, một ngôi nhà muốn tồn tại độc lập sau giải phóng mặt bằng phải đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu sau: Diện tích không nhỏ hơn 15m2; các chiều dài cạnh hồi nhà phải trên 3m. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không ít gia đình chỉ mắc một trong hai yêu cầu nêu trên, do đó về nguyên tắc nó vẫn là công trình siêu mỏng, siêu méo. Đối với một số trường hợp, nhà vẫn được cấp Giấy phép xây dựng có điều kiện (số tầng và chiều cao) khiến việc xử lý gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ, theo quy định, đối với những trường hợp có diện tích nhỏ hơn 15m2, có một cạnh nhỏ hơn 3m sẽ không được phép xây dựng, phải tiến hành hợp thửa, hợp khối. Trong trường hợp không hợp thửa, hợp khối thành công…, chính quyền địa phương cấp quận, huyện sẽ tiến hành thu hồi để xây dựng công trình công cộng như vườn hoa, bảng tin… Tuy nhiên, đến thời điểm này, số công trình không tiến hành hợp thửa, hợp khối theo yêu cầu bị thu hồi để xây dựng công trình công cộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Hầu hết công trình khi đã ra mặt đường, giá đất đều tăng mạnh. Việc thu hồi mảnh đất siêu mỏng, siêu méo nói trên là không hề đơn giản, đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn” – vị lãnh đạo này chia sẻ.

Lỗ hổng trong công tác quản lý xây dựng

Xung quanh vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, việc sau giải phóng mặt bằng tại một số tuyến đường xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, hình dáng kỳ dị là lỗi của quản lý xây dựng. Theo lý giải của vị chuyên gia này, ngay khi các đơn vị chức năng lên phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng đã có thể xác định được những phần diện tích nhỏ, hẹp. Do vậy, thay vì lấy đúng theo chỉ giới đường đỏ, nên thu hồi luôn những phần đất không đủ diện tích xây dựng để làm vườn hoa, bảng tin… tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”. Thậm chí, cần xem xét thu hồi thêm 10 – 15m phía sau chỉ giới đường đỏ để xây dựng những ngôi nhà riêng lẻ có chiều cao theo đúng quy hoạch rồi tiến hành bán đấu giá.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đông Dực – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy, việc thu hồi ngay từ đầu các phần diện tích không nằm trong chỉ giới đường đỏ mà một số chuyên gia đề xuất là không phù hợp với quy định hiện hành bởi sẽ làm tăng tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, tại nhiều tuyến đường có những mảnh đất diện tích thu hồi nhỏ, không đủ diện tích làm vườn hoa hay các công trình công cộng. Nếu thu hồi mà không có biện pháp bảo vệ thì đây sẽ là cơ hội để các hộ dân lân cận lấn chiếm làm của riêng.

Để hạn chế tình trạng xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, theo ông Trần Đông Dực, ngoài việc vận động người dân tiến hành hợp thửa, hợp khối thì công tác quản lý trật tự xây dựng là việc tối quan trọng. Đồng quan điểm, ông Trịnh Lê Đức - Chủ tịch UBND phường Minh Khai cho rằng, đối với những công trình không được phép tồn tại độc lập, không tiến hành hợp thửa, hợp khối, các lực lượng chức năng cần giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. “Nếu làm được như vậy, tình trạng xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo chắc chắn sẽ được hạn chế” – ông Trịnh Lê Đức nhấn mạnh.

(còn nữa)
Đến nay, các cơ sở pháp lý giải quyết trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng cơ bản đã đầy đủ. Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai xử lý đối với các trường hợp tồn đọng có diện tích nhà đất còn lại sau khi thu hồi giải phóng mặt bằng không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng công trình và có báo cáo cụ thể phương án, tiến độ, kết quả giải quyết và các khó khăn, vướng mắc về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo TP.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần