Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý những “điểm nghẽn” trong thi hành án

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua rà soát của cơ quan thi hành án dân sự (THADS), khi thi hành những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán. Cơ quan THADS đặt mục tiêu xử lý các “điểm nóng”, “điểm nghẽn” trong các vụ án lớn.

Thông tin tại cuộc họp báo mới đây, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Sơn cho biết, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí - PVN) bị buộc bồi thường khoảng 830 tỷ đồng; Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí - PVC) phải bồi thường 122 tỷ đồng. Số tiền đã THA đối với ông Đinh La Thăng là 4,5 tỷ đồng; Trịnh Xuân Thanh đã THA được 31 tỷ đồng. Về trường hợp của ông Đinh La Thăng, đây là tiền THA liên quan ngôi nhà của vợ chồng ông. Tài sản này đã được chia đôi để ông khắc phục hậu quả.
 Số tiền đã thi hành án đối với ông Đinh La Thăng đến nay mới được 4,5 tỷ đồng.
“Số tiền phải THA lớn nhưng khi xét xử và tổ chức thực hiện, tài sản xác minh được và kê biên để bảo đảm THA thường không nhiều. Cơ quan THADS sẽ tiếp tục xác minh, truy tìm tài sản, gồm cả bất động sản hay động sản, tài khoản của người chấp hành án để thu hồi cho Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Sơn thông tin.

Khi đánh giá về công tác THADS tại Hà Nội, Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết, TP Hà Nội là địa bàn có nhiều vụ việc nhạy cảm, nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nên ảnh hưởng tới thời gian và chất lượng THA. Cục luôn tăng cường đôn đốc, tổ chức THA; thành lập tổ rà soát vụ án tín dụng, vụ án kinh tế tham nhũng; phân bố chỉ tiêu cho các chấp hành viên cụ thể theo từng tháng, yêu cầu cấp ủy địa phương có chỉ đạo, nhìn nhận kết quả của các cơ quan THA; tập trung, quyết liệt, phối hợp với tòa án trong xử lý đối với những vụ việc có giá trị lớn.

Trong khi đó, theo Cục THADS TP Hồ Chí Minh, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ THA, tập trung nguồn nhân lực để xử lý các vụ án có tài sản giá trị lớn; tập trung xử lý việc giao tài sản cho người trúng đấu giá; xử lý các án tín dụng ngân hàng, án kinh tế, tham nhũng. Cùng đó, rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài; tăng cường tổ chức đối thoại, tiếp công dân giải quyết dứt điểm tại cơ sở, không để phát sinh điểm nóng và khiếu nại vượt cấp...

Liên quan THA những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2021, dự báo công tác THADS sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức với nhiều vụ việc phải thi hành giá trị lớn, tính chất pháp lý ngày càng phức tạp; phát sinh nhiều vấn đề mới như xử lý tài sản là cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai; nhiều vụ việc giá trị thi hành lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những vấn đề đặt ra trên, đòi hỏi toàn hệ thống THADS phải có giải pháp thích hợp, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, các cơ quan THADS địa phương phải tập trung rà soát các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác, thi hành hiệu quả án kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát; nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Nếu thi hành hiệu quả các án này, hệ thống THADS sẽ đạt được “mục tiêu kép”, đó là vừa hoàn thành nhiệm vụ Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng giao, vừa hoàn thành chỉ tiêu về thu hồi tài sản cho Nhà nước.

"Phải tiến hành rà soát án tín dụng, ngân hàng, khắc phục tình trạng chậm bán đấu giá tài sản, tài sản bán nhiều lần không thành, bán thành nhưng không giao được, ảnh hưởng tới kết quả THA. Nếu để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong công tác này, các Cục trưởng, Chi cục trưởng phải chịu trách nhiệm." - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi