Xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp Hà Nội: Chưa được quan tâm đúng mức - Bài 1: Có hệ thống xử lý

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cụm công nghiệp (CCN) góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải tại khu vực này chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến môi trường tại nhiều nơi trên địa bàn TP đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Bài 1: Có hệ thống xử lý nước thải cũng như không
Hà Nội hiện có 43 CCN đã đi vào hoạt động ổn định, song có tới 19 cụm chưa có dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải (XLNT). Trong số 24 cụm đã và đang được đầu tư xây dựng trạm XLNT thì có tới 4 trạm đã lạc hậu không đảm bảo công suất, chất lượng, 5 trạm xây dựng xong nhưng chưa đưa vào hoạt động. Thậm chí, có cụm xây trạm XLNT từ 10 năm nay nhưng không một ngày hoạt động.

Trạm xử lý nước thải... bỏ hoang 10 năm

Về huyện Thanh Trì những ngày cuối tháng 8, chứng kiến hiện trạng trạm XLNT tại cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Tân Triều cùng Đoàn giám sát của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội, chúng tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh hoang tàn nơi đây. Tất cả các hạng mục xây dựng cũng như thiết bị tại trạm XLNT đã cũ nát, xuống cấp trầm trọng nằm im lìm dưới lớp cỏ hoang phủ kín.

Đoàn giám sát Ban Đô thị, HĐND TP kiểm tra tại cụm CCN Tân Triều, Thanh Trì.

Trưởng phòng TN&MT Thanh Trì Nguyễn Mạnh Hiến cho biết, cụm sản xuất làng nghề Tân Triều được thành lập cuối năm 2009, với tổng diện tích gần 11ha nằm sát khu dân cư thôn Triều Khúc với ngành nghề chủ yếu là dệt, nhuộm, tái chế và lông vũ. Vào thời điểm khoảng năm 2007, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại đây, TP Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây trạm XLNT công nghiệp. Nhưng từ khi xây dựng đến nay, trạm XLNT này chưa một lần hoạt động. Các hộ sản xuất ở đây tự XLNT rồi đưa ra môi trường.

Tại cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Duyên Thái, huyện Thường Tín chuyên sản xuất mặt hàng sơn mài, qua khảo sát tình trạng cũng tương tự. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Sỹ Tuyến cho hay, từ năm 2008, Bộ NN&PTNT đã đầu tư xây dựng trạm XLNT cho CCN làng nghề này, nhưng hiện nay không vận hành do không có nguồn kinh phí duy trì hoạt động.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Phước An, một số nhà máy XLNT tại các CCN trên địa bàn hoạt động không hiệu quả bắt nguồn từ việc các DN chưa phối hợp với các chủ đầu tư CCN trong công tác đấu nối thoát nước để thu gom nước thải về trạm XLNT. Mặt khác, một số DN phát sinh lượng nước thải lớn đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng, được Sở TN&MT cho phép xả thải, nên không cần xử lý qua trạm. Cùng với đó, khi đầu tư nhà máy XLNT chưa điều tra chi tiết nhu cầu xả thải dẫn tới thực tế vận hành còn thấp hơn nhiều công suất thiết kế. Thêm nữa, việc thu phí nước thải gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước thải của các DN. Từ những nguyên nhân trên, khiến một số nhà máy XLNT hoạt động cầm chừng, không đúng công suất thiết kế, hoặc không vận hành gây thất thoát nguồn lực xã hội.

Tiến độ triển khai quá chậm

Chỉ còn 3 tháng nữa để TP hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 2017, nếu các Sở Xây dựng, Công Thương, TN&MT, là những đơn vị được giao trách nhiệm không tích cực đôn đốc sát sao tiến độ thì chỉ tiêu các CCN có trạm XLNT đi vào hoạt động năm 2017 khó có để đảm bảo.

Phó trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Vũ Ngọc Anh

Cùng với việc công suất xử lý không đúng nhu cầu, hiệu quả hoạt động thấp thì thực tế ở Hà Nội hiện nay còn có tình trạng chậm tiến độ xây dựng nhà máy XLNT ở một số địa phương. Tại rất nhiều CCN đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom XLNT (mới có 19 cụm trong số 43 CCN đang hoạt động ổn định trên toàn TP có trạm XLNT, chiếm 44,2%).

Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, TP phải đảm bảo tỷ lệ 55,8% các CCN có trạm XLNT đi vào hoạt động (chỉ tiêu này là một trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được HĐND TP thông qua). Tuy nhiên, dù đã được phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2014, nhưng 2 trạm Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ) và Phúc Thịnh (thị xã Sơn Tây) theo khảo sát thực tế, hiện tiến độ xây dựng gần như giậm chân tại chỗ. Trạm XLNT tập trung có công suất 500m3/ngày, đêm tại CCN làng nghề xã Liên Hà (Đan Phượng) cũng thi công xong phần xây dựng, phần dây chuyền công nghệ hiện tạm dừng chưa đầu tư…

Trạm XLNT tại CCN Tân Triều,  Thanh Trì sau 10 năm xây dựng chưa một ngày vận hành.

Nhận định về vấn đề này, Phó trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Vũ Ngọc Anh cho rằng, việc tính toán thiết kế không phù hợp với thực tế dẫn đến kinh phí hỗ trợ của TP đối với những trạm này bị lãng phí, đồng vốn không được kiểm soát, ngân sách được sử dụng không hiệu quả.

Có thể thấy, những hạn chế trong công tác XLNT tại các CCN trên địa bàn Hà Nội không chỉ có nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu đồng bộ trong đầu tư xây dựng, đấu nối các trạm XLNT mà còn từ ý thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường của lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương dẫn đến công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này chưa rốt ráo. Thế nên, những dòng nước thải độc hại vẫn ngày đêm len lỏi chảy giữa những khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần