Xử lý ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, chất lượng không khí (CLKK) trên địa bàn TP Hà Nội nhiều ngày gần đây có xu hướng xấu đi so với trước. Số liệu quan trắc cho thấy, hầu như tất cả các ngày trong tuần vừa qua, chỉ số AQI các trạm ở mức kém, xấu và rất xấu, dao động từ 112 - 121; không có ngày AQI ở mức tốt (màu xanh), trung bình (màu vàng). Từ những thông số này cho thấy vấn đề chất lượng không khí cần có những giải pháp xử lý quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Do ảnh hưởng chất lượng không khí, người dân phải đeo khẩu trang tập thể dục bên hồ Ngọc Khánh. Ảnh: Thanh Hải
Gia tăng ô nhiễm
Tổng hợp kết quả quan trắc cho thấy, buổi sáng (từ 5:00 giờ đến 12:00 giờ) là thời điểm ô nhiễm nhất trong ngày. Sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm. Qua theo dõi, đây là giai đoạn có mức độ ô nhiễm cao nhất tính từ thời điểm đầu năm đến nay (4 ngày liên tiếp CLKK ở mức “xấu” và “rất xấu”).
Lý giải về mức độ ô nhiễm như hiện nay, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, bên cạnh hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào giữa đêm và sáng sớm diễn ra mạnh vào thời điểm cuối năm thì sự gia tăng của phương tiện giao thông, dân sinh, đốt rác tự phát, công trình xây dựng… là nguồn phát thải các chất ô nhiễm ra môi trường khá lớn. Và dưới tác động của các điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với nghịch nhiệt làm cho các nguồn thải hàng ngày không phát tán lên cao được mà bị tích tụ lại lơ lửng ở lớp khí quyển sát mặt đất, khiến nồng độ chất thải rất cao, CLKK suy giảm.
Cần hành động ngay
Nhận định về tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội thời gian gần đây, GS. TS Hoàng Xuân Cơ - giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, cần giải quyết ngay những việc cụ thể, như: Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông công cộng; sử dụng nhiên liệu sạch; đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát, loại bỏ phương tiện giao thông không bảo đảm điều kiện lưu thông...
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết: Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường. Hiện, ngoài 10 trạm quan trắc không khí đang hoạt động, đến năm 2020, Hà Nội đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc (trong đó có 20 trạm quan trắc cố định, 12 trạm cảm biến, 1 xe quan trắc lưu động). Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh việc cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường (tăng cường xe quét rác, gom rác...).
 
Mặt khác, TP đã và đang kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác phát điện; triển khai tách nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước tại các ao, hồ; trồng thêm cây xanh... Xác định ô nhiễm không khí còn phát sinh từ nguồn sinh hoạt hằng ngày của người dân, Hà Nội đã, đang tăng cường xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng...
Phải có giải pháp mạnh
Thực tế cho thấy, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng khác chính là nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Hiện nay, tại khu vực nội đô, một bộ phận người dân và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn sử dụng bếp than tổ ong. Khu vực ngoại thành, người dân vẫn đốt rơm rạ, vải vụn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Bên cạnh đó, với sự tăng tốc của các công trình xây dựng dịp cuối năm, bụi từ công trình và từ hàng trăm xe tải chở vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường; Lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh, trong khi việc kiểm định khí thải chưa được làm nghiêm ngặt... cũng khiến cho chất lượng không khí Hà Nội trở nên ô nhiễm nặng.
"Trước mắt, do việc hạn chế, cấm phương tiện cá nhân hoạt động trên một số tuyến đường chưa được thực hiện đại trà, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc kiểm soát khí thải đối với xe máy cũ, đặc biệt với xe máy thải hồi để tiến hành thu hồi theo quy định. Trong đó, có đề xuất đến việc phân cấp trách nhiệm cho từng cơ quan, chính quyền địa phương nhằm tăng tính hiệu quả trong việc kiểm soát chất lượng khí thải phương tiện. Cùng với đó, kiểm soát chặt vấn đề đảm bảo môi trường của xe trở vật liệu xây dựng trên toàn địa bàn, nhất là với các dự án, công trình đang triển khai xây dựng" - một chuyên gia môi trường khuyến cáo.
"Không sử dụng bếp than tổ ong, giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, không đốt rơm rạ...; người dân nên cam kết và thực hiện đúng theo những quy định của pháp luật, ngay từ những việc nhỏ nhất, nhằm góp phần giảm lượng phát thải gây ô nhiễm không khí và tránh được nhiều hệ lụy khác về môi trường" - đại diện Sở TN&MT nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, các cấp chính quyền cần xác định rõ vai trò, giám sát trong quá trình thực hiện đối với các sở, ban, ngành có liên quan, để thực hiện tốt hơn nữa, giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến môi trường, ô nhiễm không khí.

Phạt 59 xe tải sau phản ánh của Kinh tế & Đô thị
Ngày 11/11, Kinh tế & Đô thị có bài viết: “Xe bê tông phá đường Tố Hữu”, phản ánh tình trạng xe chở bê tông để rơi vãi vật liệu, gây hư hỏng đường và ô nhiễm môi trường tại khu vực ngõ 38D Tố Hữu. Tiếp nhận phản ánh, Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã ra quân kiểm tra, phát hiện và xử phạt 50 trường hợp xe tải vi phạm. Trong đó có 4 trường hợp để rơi vãi vật liệu; 4 trường hợp chở quá tải; 31 trường hợp đi không đúng giờ quy định… (Ngọc Hải)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần