Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Cần giải pháp tổng thể

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch đạt hiệu quả, nhiều chuyên gia khẳng định, dù thực hiện biện pháp nào, các đơn vị chức năng cần phải xác định rõ mục đích sử dụng của con sông này.

Bởi, nếu không có đáp án thì dù có khắc phục bằng biện pháp gì, công nghệ gì, sông Tô Lịch sớm muộn sẽ lại rơi vào ô nhiễm.
Ngăn chặn nguồn nước thải chưa qua xử lý
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, với khoảng 300 ống xả trực tiếp, mỗi ngày, sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải, trong đó, phần lớn là nước thải chưa qua xử lý.
Vào mùa mưa, lượng nước trên khi chảy ra sông Tô Lịch sẽ nhanh chóng thoát xuống hạ lưu. Tuy nhiên, vào mùa khô khi mực nước xuống thấp, việc thoát nước thải gặp không ít khó khăn, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Khải – chuyên gia xử lý ô nhiễm nước cho rằng, những năm 50 – 80 của thế kỷ trước, việc tắm gội, bơi lội… trên sông Tô Lịch là chuyện rất bình thường.
 Sông Tô Lịch. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, từ năm 1980 trở lại đây, khi sông Hồng không còn chảy trực tiếp vào sông Tô Lịch, lòng sông bị thu hẹp, hàng loạt nhà máy, nhà dân mọc lên do quá trình đô thị hóa đã xả trực tiếp nước thải xuống sông đã khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn được tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông.

"Việc dẫn nước vào sông Tô Lịch ngoài việc đảm bảo an toàn hồ chứa theo đúng quy định cũng là một trong những nội dung nằm trong dự án Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch mà đơn vị đã trình lên TP Hà Nội.

Nếu được thông qua, đơn vị sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000m3/ngày, đêm dẫn vào Hồ Tây để cải thiện môi trường, bổ cập nước, tạo điều kiện cho hệ sinh thái trong Hồ Tây phát triển bền vững, đặc biệt là vào mùa khô.

Sau khi nước Hồ Tây được cải thiện, đơn vị sẽ tiếp tục dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm tại dòng sông này." - Phó trưởng Phòng Đối ngoại truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Bùi Ngọc Uyên

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) đánh giá, để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch, TP Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Khi dự án hoàn thành, sẽ góp phần quan trọng trong việc hồi sinh sông Tô Lịch. Tuy nhiên, ông Trần Đức Hạ nhấn mạnh, trong thời gian chờ dự án hoàn thành, thay vì xả thẳng nước thải ra sông như hiện nay, mỗi gia đình, cơ sở sản xuất dọc bờ sông phải xây dựng những hố ga thu nước, lắng đọng rác thải trước khi thải ra sông.
Khơi thông dòng chảy
Đề cập đến việc hồi sinh sông Tô Lịch, nhiều chuyên gia khẳng định, bên cạnh việc khắc phục tình trạng ô nhiễm, ngăn chặn nguồn thải xả trực tiếp xuống sông thì biện pháp khơi thông dòng chảy bằng cách bổ cập nước từ Hồ Tây vào là điều hết sức cần thiết.
Ông Trần Đức Hạ cho biết, cách làm mà Hà Nội triển khai cũng giống như cách TP Hồ Chí Minh đã từng làm với mương Nhiêu Lộc – Thị Nghè, là ngăn không cho đường nước thải chảy vào hệ thống kênh.
Tuy nhiên, do điều kiện địa lý giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có những điểm khác nhau nên không thể có giải pháp y như nhau, bởi TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của triều cường nên nước trong mương được luân chuyển lên tục. Do đó, nếu Hà Nội muốn sông Tô Lịch trở thành điểm tham quan du lịch thì việc lấy nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch là cần thiết.
Đề cập đến những lo lắng khi tiến hành bổ cập, nước ô nhiễm của sông Tô Lịch sẽ theo dòng trôi xuống hạ lưu, một số chuyên gia cho rằng, bình thường, đặc biệt là vào mùa mưa, nước sông Tô Lịch vẫn chảy về hạ lưu. Nay nếu được bổ cập nước thường xuyên, mức độ ô nhiễm của sông sẽ được pha loãng. Từ đó, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến khu vực hạ lưu.