Xử lý phương tiện lấn làn buýt BRT: Khó từ chính sách đến thực tế

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội vừa kiến nghị Công an TP, Thanh tra GTVT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện lấn làn buýt BRT. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, cũng như những người trực tiếp làm nhiệm vụ, vấn nạn này rất khó xử lý triệt để.

 Phương tiện vận tải lấn làn xe buýt BRT trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Thanh Hải
Nhan nhản vi phạm

Câu chuyện xử lý các phương tiện lấn làn buýt BRT không phải là vấn đề mới. Bởi, từ khi tuyến buýt BRT Yên Nghĩa - Kim Mã đi vào hoạt động, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, đã xử phạt hàng ngàn trường hợp vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát cũng như tuần tra, kiểm soát ngoài đường.
Theo Nghị định 46/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà đi vào làn đường của xe buýt nhanh BRT sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm sẽ bị phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Thế nhưng, số lượng các phương tiện bị xử lý vẫn chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, vẫn còn một lượng lớn phương tiện, đặc biệt là xe máy, chưa thể xử lý triệt để.

Ngày 11/1, có mặt trên tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương, chúng tôi ghi nhận, do mặt đường hẹp, mật độ phương tiện đông nên nhiều người điều khiển xe máy leo cả lên vỉa hè để thoát khỏi khu vực ùn tắc, một số phương tiện lấn vào làn BRT làm cho nhiều người tỏ ra khó chịu, ngán ngẩm.

Đây cũng là thực trạng xảy ra trên tuyến tuyến Láng Hạ - Giảng Võ. Chỉ trong một thời gian ngắn, tại khu vực nhà chờ Vũ Ngọc Phan, phóng viên đã ghi nhận có gần chục xe ô tô và vài chục xe máy ngang nhiên đi vào làn đường dành cho xe buýt BRT mà không gặp bất cứ sự kiểm tra, nhắc nhở nào từ phía các lực lượng chức năng.

Bất cập từ những quy định

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một đội CSGT có tuyến BRT chạy qua cho biết, việc xử phạt đối với phương tiện đi vào làn BRT vẫn được các CSGT thực hiện thường xuyên và liên tục, đặc biệt là việc xử lý thông qua hệ thống camera giám sát. Thế nhưng, vị này thừa nhận, để xử lý triệt để tình trạng này rất khó khăn: “Tuyến đường xe buýt BRT hoạt động có mặt cắt khá hẹp, mật độ phương tiện lại cao nên rất khó để xử lý, đặc biệt là giờ cao điểm”.

Bên cạnh những bất cập về hạ tầng, lãnh đạo một số Đội CSGT cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập của văn bản pháp luật khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên dọc tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT, nhất là đoạn giáp với các nút giao, Sở GTVT đã tổ chức gắn biển báo, biển “Làn đường dành riêng BRT”. Tuy nhiên, theo Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ, chỉ có biển báo làn đường dành riêng cho xe buýt chứ không có biển báo dành làn đường dành riêng cho xe buýt BRT. Và từ đây, những tranh cãi không đáng có đã liên tục xảy ra khiến các lực lượng chức năng mất nhiều thời gian và công sức để giải thích. “Đối với các trường hợp vi phạm khi được phát hiện lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm. Nhưng những bất cập của Quy chuẩn 41 khiến việc xử lý trực tiếp ngoài đường gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, một số cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu ngại xử lý đối với những hành vi này” - lãnh đạo một Đội CSGT chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần