Xử lý sai phạm tại các ngân hàng: Truy trách nhiệm người đứng đầu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank… trong năm 2017, nhiều cán bộ lãnh đạo của các ngân hàng đã phải ra trước vành móng ngựa.

 Khách hàng giao dịch tại Ocean Bank. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều lãnh đạo ngân hàng hầu tòa
Trong đại án OceanBank, bên cạnh 34 giám đốc ngân hàng bị khởi tố còn 227 cán bộ khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì chi lãi suất ngoài hợp đồng, 51.860 khách hàng nhận tiền cao hơn lãi suất trần… Hai bị cáo được chú ý nhiều nhất là ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Xuân Sơn - Tổng Giám đốc Ocean Bank... lập công ty, thâu tóm hoạt động ngân hàng. Cáo trạng vụ án OceanBank do Viện KSND tối cao ban hành thể hiện, hành vi của ông Hà Văn Thắm cùng Ban giám đốc OceanBank đã đẩy ngân hàng này vào khoản nợ xấu 15.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần. NHNN phải mua lại với giá 0 đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên các cán bộ ngân hàng phải hầu tòa. Thực tế, rất nhiều vụ đại án khiến dư luận quan tâm như vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh... Nhiều cán bộ ngân hàng đã phải vướng vào vòng lao lý. Trong đại án Bầu Kiên, hàng loạt cán bộ ngân hàng ACB đã phải lãnh án vì ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại ViettinBank để hưởng tiền “hoa hồng” ngoài hợp đồng.

Như vụ Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB (nay là ngân hàng Đại Tín TrustBank) “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” chiếm đoạt của TrustBank 471 tỷ đồng; lập ra 12 công ty ma để vay tiền… Ngoài ông Danh, nhiều nguyên lãnh đạo của Sacombank, BIDV và cán bộ TPBank như Trầm Bê (Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank), Hoàng Long Hà (nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định)... đều bị truy tố ở khung hình phạt 10 - 20 năm tù...

Rõ trách nhiệm quản lý

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi nhận định, thời gian gần đây, “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng đã được củng cố và đi vào ổn định, song những rủi ro tiềm ẩn của một vài ngân hàng yếu kém vẫn luôn thường trực đe dọa tới sự phát triển ngành. Các vi phạm không chỉ trong lĩnh vực lãi suất mà còn các lỗ hổng về sở hữu chéo, đầu tư chéo bất hợp pháp vào các DN sân sau...

Như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Minh Hải, cáo trạng mới nhất của Viện KSND Tối cao chỉ rõ, việc thẩm định cho vay, quản lý rất lỏng lẻo, dễ dãi nên đã “tiếp tay” cho các DN vay gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng NSNN. Tuy nhiên, không có cán bộ nào thuộc lãnh đạo VDB và Hội sở VDB bị liên đới. Trong khi đó, các quy định nội bộ của VDB có quy định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát của Hội đồng quản lý và Hội sở VDB.

Thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội, thành viên Hội đồng xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm chia sẻ, những sai phạm trong hoạt động ngân hàng không phải mới phát sinh mà đã diễn biến trong thời gian dài và bộc lộ trong cả hệ thống. Bên cạnh sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP mới thành lập, cũng có những ngân hàng giàu kinh nghiệm thương trường.
Nguyên nhân do các quy định về chế định cho vay còn lỏng lẻo, nhiều sơ hở. Tuy vậy, theo ông Toàn, những sai phạm trong quản lý điều hành của ngân hàng chủ yếu là yếu tố con người. Do thiếu kiểm soát, đào tạo, giáo dục nên nhiều cán bộ ngân hàng đã rất dễ bị tha hóa. Nhiều hợp đồng cán bộ ngân hàng sẵn sàng đánh giá sai về giá trị tài sản thế chấp, kê khai về rủi ro không đúng thực tế.

“Quyết định phê duyệt một khoản tín dụng lên đến tiền tỷ thì bất kể ngân hàng nào cũng đều phải qua cán bộ Hội sở, khối, chi nhánh phê duyệt. Còn nhiều hơn lên đến nghìn tỷ như trong các vụ đại án vừa qua, đương nhiên phải có trách nhiệm của cả hội đồng phê duyệt, mà ở đây là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc mang tính quyết định, Ban kiểm sát không thể nói không biết cho đến khi có kết luận thanh tra ngân hàng” - LS Trương Thanh Đức bình luận.

Mới đây, trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về việc kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm của các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã giao NHNN làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan này trong việc được giao phụ trách các đơn vị để xảy ra nhiều sai phạm.
“Chính phủ thường xuyên chỉ đạo NHNN tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực công tác thanh tra, giám sát cả về mô hình tổ chức và hoạt động, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” - văn bản trả lời của Thủ tướng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi cho rằng, những yêu cầu của Thủ tướng cùng với việc thực thi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ 15/1/2018 sẽ ngăn chặn sai phạm trong hoạt động ngân hàng. “Ngân hàng là lĩnh vực hoạt động có điều kiện, tiền tệ là lĩnh vực hàng hóa đặc biệt. Nhân sự quản lý của ngân hàng cần phải có những điều kiện cụ thể về bằng cấp, kinh nghiệm công tác, đạo đức nghề nghiệp. Đây là những kẽ hở cần được rà soát và khắc phục ngay trong thực thi Luật lần này” - PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh.
Phải đưa ra điều kiện và tiêu chuẩn cao hơn, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với quản trị một tổ chức. Đặc biệt, công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng phải được thực hiện chặt chẽ để các ngân hàng nhận rõ và chấp hành các quy định chung của ngành.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi – chuyên gia tài chính ngân hàng