Xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được: Vẫn băn khoăn “có nên đánh thuế”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý.

Khó xác định nguồn gốc tài sản
Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Chính phủ thiên về phương án thu thuế 45% tổng giá trị tài sản, thu nhập.
“Chính phủ lựa chọn phương án này vì cho rằng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không đủ bằng chứng xác thực việc xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo pháp luật” - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết. Đồng thời nhấn mạnh việc không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, có thể tránh được cách hiểu theo hướng "hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng" hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Ông Khái cũng chỉ ra phương án này phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự vì người kê khai không giải trình được tài sản, thu nhập này hợp pháp, là của cải để dành theo Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và không thuộc các trường hợp được xác lập quyền sở hữu theo Điều 221 Bộ luật Dân sự.
Đồng tình cần thiết bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này và không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga lưu ý: Đặc điểm xã hội ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho…, tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó, nên cần phải tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp. Đồng thời, cần quy định cụ thể tiêu chí làm căn cứ để xác định trường hợp nào được coi là “không giải trình được một cách hợp lý” để tránh tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.

"Trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn... Việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp. Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”. - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Lê Thị Nga

"Cán bộ của ta hầu hết không phải nghèo, nhưng kê khai lại rất nghèo. Phải có cơ quan độc lập để thẩm tra, xác minh tài sản cán bộ, công chức, đặc biệt là trước khi bổ nhiệm, trước khi bầu cử. Ví dụ với đại biểu Quốc hội, thẩm tra để xác minh, phát hiện từ khi chưa bầu cử để kịp thời xử lý, chứ để đến khi bầu xong rồi mới xử lý thì rất phức tạp." - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Thế nào là giải trình không hợp lý?

Nhấn mạnh những nội dung đưa vào luật phải đảm bảo tính khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề “thế nào là giải trình không hợp lý”. “Người ta nói tài sản do bố để lại, đi hỏi ông bố thì nói do các cụ để lại, rất khó xác định khi không giao dịch, không có ai làm chứng. Cần tính toán hết sức chặt chẽ, đưa ra là phải khả thi, còn đưa ra mà không thực hiện được là mất lòng tin của Nhân dân” - ông Định phân tích. Đồng thời nhấn mạnh: “Không thể suy đoán có tội, không thể nói anh không giải trình được hợp lý thì tài sản đó là bất hợp pháp. Chứng minh được đó là tài sản bất minh, thì xử lý hình sự, dân sự, kỷ luật, còn chưa chứng minh được thì nộp thuế theo cách tính trong Luật Thuế thu nhập cá nhân”.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng: "Khi xác minh là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải tịch thu đã, còn nếu không đồng ý thì kiện ra tòa. Có ý kiến cho rằng, nếu tham nhũng 100 triệu đồng, bị đánh thuế 45 triệu đồng thì còn lại 55 triệu đồng mặc nhiên là hợp pháp".

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, về mặt pháp lý không thể coi tài sản không giải trình được nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu theo con đường hình sự, cũng không thể coi đó là tài sản Nhà nước để tịch thu. "Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra quy định kiểm soát. Tôi đề nghị có quy định biện pháp kiểm soát thu nhập, có bộ tiêu chí để xác định thu nhập hợp pháp, qua đó thu các khoản thuế thu nhập và xác định các tài sản hợp pháp" - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần