Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp: Nâng mức phạt để tăng tính răn đe

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tư pháp như bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản DN, hợp tác xã… ngày càng có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, do mức phạt còn thấp dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, không đủ sức răn đe.

Khó xử phạt
Một trong những nguyên nhân chưa xử phạt được là một số quy định của Nghị định 110/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP) không khả thi. Bên cạnh đó, một số hành vi đã được quy định song chưa từng xử phạt được trường hợp nào. Đơn cử các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình như ngoại tình, tảo hôn, tổ chức tảo hôn, nhận con nuôi… hầu như rất ít xử phạt, ngoại trừ những trường hợp bị dư luận lên tiếng hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đối với các trường hợp đã bị phát hiện, mức xử phạt cũng quá thấp. Ví dụ như vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng chỉ có mức xử phạt tối thiểu là 1 triệu đồng, nghiêm trọng đến 20 triệu đồng. Đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung của bản chính để yêu cầu chứng thực bản sao; nội dung của giấy tờ, văn bản được dịch để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch chỉ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng. Một số hành vi vi phạm hoạt động nghề công chứng chỉ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng…
Chánh Văn phòng Bộ Công an - Thiếu tướng Lương Tam Quang phát biểu tại buổi họp báo chiều 7/8. Ảnh: Nhị Tiến
Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hoàng Diện cho rằng, chế tài xử phạt VPHC đối với các lĩnh vực tư pháp chưa nghiêm, mức xử phạt quá thấp. Các chế tài về thu hồi giấy phép hoạt động, cấm hoạt động, tạm dừng, tạm đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị được thanh tra còn ít, chưa áp dụng được nhiều. Không ít hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự không có chế tài xử phạt hoặc biện pháp xử phạt chưa tương xứng.

Nhiều hình phạt bổ sung

Hiện Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản DN, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP. Theo đó, sẽ bổ sung một số hành vi vi phạm. Đơn cử, bổ sung hành vi cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn hoặc cản trở ly hôn vào nhóm các hành vi có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Hay trong lĩnh vực thi hành án dân sự, bổ sung một loạt các hành vi có thể bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng như không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án; chống đối, cản trở hoặc kích động, lôi kéo, xúi giục người khác chống đối, cản trở hoạt động thi hành án dân sự; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ trong thi hành án dân sự...

Tuy nhiên, so với Nghị định hiện hành, một số hành vi vi phạm vẫn giữ nguyên mức phạt cũ là quá thấp, đơn cử hành vi đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ chỉ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng; lựa chọn giới tính thai nhi bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng… Với dự thảo này, nhiều ý kiến đề nghị tăng mức phạt để đảm bảo tính răn đe. Đối với một số lĩnh vực không nhất thiết phải quy định tăng mức phạt tiền mà nên quy định thêm các hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.