Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử lý vi phạm kinh doanh vận tải, trật tự đô thị: Cái khó bó cái khôn

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, một số ý kiến dư luận cho rằng kết quả xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, trật tự đô thị, trông giữ phương tiện của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

 Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Nhật Quang.
Xin ông cho biết vài nét về kết quả xử lý vi phạm trong các lĩnh vực Thanh tra Sở GTVT Hà Nội được giao theo dõi, giám sát?

- Thanh tra Sở GTVT Hà Nội hiện được giao khá nhiều công việc, trong đó nổi bật là phối hợp điều tiết giao thông và giám sát, xử lý vi phạm trên 4 lĩnh vực: Kinh doanh vận tải; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; trật tự đô thị; trông giữ phương tiện tại các vị trí do Sở quản lý.

Tính từ đầu năm 2018 tới nay, Thanh tra Sở đã xử lý hơn 11.000 trường hợp vi phạm trên tất cả các lĩnh vực; phạt tiền hơn 21 tỷ đồng; tạm giữ nhiều phương tiện, Giấy phép lái xe; dỡ bỏ hàng nghìn lều lán, mái che, mái vẩy xâm phạm hành lang ATGT. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã giải tỏa hàng chục điểm trông giữ phương tiện trái phép tại các khu đất dự án, đất nông nghiệp; xử lý triệt để các điểm trông giữ sai phép, không phép trên lòng đường đô thị. Có thể nói, khối lượng công việc hoàn thành là không nhỏ, đòi hỏi nỗ lực lớn của toàn lực lượng.

Theo ông, lĩnh vực nào tồn tại nhiều vi phạm nhất và vì sao?

- Theo tôi đánh giá, hiện lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cả hành khách lẫn hàng hóa, đang là mảng “nóng” nhất về vi phạm. Các vi phạm trong lĩnh vực này vừa đa dạng, phức tạp, vừa gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý của lực lượng chức năng, trong đó có Thanh tra Sở GTVT.

Đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, một phần do còn lỗ hổng trong các quy định của pháp luật nên tình trạng xe khách "đội lốt" xe hợp đồng ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Phần nữa là do việc quy hoạch luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn TP chưa hoàn chỉnh. Nhiều tuyến xe đông, bến vắng dẫn đến tình trạng cố tình rà rê, bắt khách trên đường, gây mất trật tự, ATGT. Bên cạnh đó trên 400 tuyến xe khách quá cảnh Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra vi phạm dừng đỗ đón trả khách sai quy định, đặc biệt là trên tuyến Vành đai 3.

Với nhóm xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, có thể khẳng định vi phạm chở quá khổ, quá tải, để rơi vãi vật liệu, phế liệu xây dựng... cũng đã giảm mạnh, nhưng chưa thể xử lý triệt để. Vấn đề khó khăn nhất là việc phối hợp xử lý một cách kín kẽ, kịp thời hiện tượng này giữa các lực lượng chức năng vẫn chưa thực sự nhuần nhuyễn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Đại lộ Thăng Long - trục kết nối trung tâm Thủ đô với các huyện phía Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Vậy quá trình xử lý vi phạm đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Vấn đề lớn nhất là chúng tôi đang rất thiếu nhân sự. Nếu nhìn vào tương quan lực lượng và khối lượng công việc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang đảm nhận sẽ thấy rõ điều đó. Hiện nay, toàn lực lượng Thanh tra Sở có 573 người, nhưng chỉ có 205 Thanh tra viên có chứng chỉ và đủ thẩm quyền lập biên bản, ra quyết định xử phạt. Trong số đó lại có 95 lãnh đạo cấp phòng, đội, vừa phải làm công tác quản lý, vừa chỉ đạo xử lý vi phạm; chỉ còn lại 100 Thanh tra viên đủ điều kiện tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm. Ngoài ra, mỗi ngày chúng tôi còn phải cắt cử 170 người phối hợp phân làn, điều tiết giao thông. Lực lượng các đội địa phương cũng rất mỏng và phải căng sức, dàn trải trên địa bàn quá rộng.

Mỗi Đội Thanh tra GTVT chỉ có từ 10 - 25 người. Cá biệt như Đội Thanh tra GTVT huyện Ba Vì chỉ có 10 người, bao gồm cả Thanh tra viên lẫn nhân viên hợp đồng, lái xe, kỹ thuật... Trong khi đó, Thanh tra GTVT vừa phải kiểm tra xử lý vi phạm xe ô tô kinh doanh vận tải, điều tiết giao thông, vừa tham gia giữ gìn trật tự đô thị… Vậy nên vấn đề ở đây không phải là Thanh tra GTVT không quyết liệt xử lý vi phạm mà thực sự chúng tôi đang thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng, phải xoay trần ra với quá nhiều công tác, nên không thể tránh khỏi những bất cập, thiếu sót.

Có ý kiến cho rằng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội “bảo kê” vi phạm trên nhiều lĩnh vực, ông lý giải thế nào về vấn đề này?

- Có nhiều vấn đề mà dư luận đang hiểu lầm, nhìn nhận chưa đúng về vai trò và hiệu quả công tác của chúng tôi. Ví dụ như việc kiểm tra, xử lý các bãi trông giữ xe không phép. Trên thực tế, Thanh tra Sở GTVT chỉ có chức năng, thẩm quyền kiểm tra, xử phạt các điểm trông giữ xe trên lòng đường hoặc do Sở GTVT Hà Nội cấp phép.

Còn các điểm trông giữ trên vỉa hè, trong đất dự án, đất nông nghiệp... theo phân cấp là thẩm quyền xử lý của UBND các quận, huyện. Chúng tôi chỉ có thể tham gia phối hợp xử lý khi được đề nghị và dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương. Ngoài ra, Thanh tra GTVT có nhiệm vụ, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì báo cáo lên UBND phường, quận... để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Vì vậy nói Thanh tra GTVT “bảo kê” trong trường hợp này là chưa chính xác.

Hay như vi phạm của các xe quá tải, để rơi vãi vật liệu gây mất trật tự, ATGT, ô nhiễm môi trường cũng vậy. Theo Kế hoạch số 13/KH - UBND, TP đã giao cho 9 lực lượng phối hợp xử lý vi phạm nêu trên. Trong đó, Thanh tra Sở GTVT chủ yếu kiểm soát tại các điểm đầu mối như bến bãi, công trường... Còn việc tuần tra, kiểm soát trên đường là nhiệm vụ chính của CSGT; việc giám sát hoạt động thi công, bốc xếp vật liệu, phế liệu xây dựng... liên quan đến trách nhiệm của cả Thanh tra các Sở: Xây dựng, TN&MT, lực lượng chức năng địa phương... Nếu chỉ một mình Thanh tra GTVT thì khẳng định không thể kiểm soát hết được vi phạm, sai phạm.

Vậy theo ông, cần làm gì để công tác xử lý vi phạm đạt hiệu quả tốt hơn?

- Tôi cho rằng một mình lực lượng Thanh tra GTVT với những khó khăn nội tại sẽ rất khó đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý vi phạm. Giải pháp quan trọng nhất cho vấn đề này là phải có sự phối hợp sâu sát, liên tục giữa Thanh tra GTVT với các lực lượng chức năng khác.

TP cần có những chương trình, kế hoạch cụ thể hơn, phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, có quy chế phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt để công tác xử lý vi phạm duy trì tốt, hiệu quả cao. Và quan trọng nhất là TP có sự giám sát, đánh giá chất lượng công tác phối hợp của từng đơn vị để định hướng, điều chỉnh kịp thời.

Xin cảm ơn ông!