Xử lý vi phạm vệ sinh môi trường trên Đại lộ Thăng Long: Bao giờ hết cảnh cắt ngọn?

Bài, ảnh:Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được nhiều phản ánh về tình trạng mất vệ sinh môi trường trên tuyến Đại lộ Thăng Long liên quan đến hoạt động của các trạm trộn bê tông dọc tuyến đường.

Cũng theo phản ánh của người dân, mặc dù các lực lượng chức năng vẫn tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm… những đó chỉ là biện pháp cắt ngọn.
Nhiều hệ lụy
Khoảng 15 giờ ngày 14/1, tổ công tác của Đội CSGT số 11, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội trong quá trình làm nhiệm vụ trên tuyến Đại lộ Thăng Long đã phát hiện và dọn dẹp một đống đất, cát dài khoảng 300m, rộng 10m bị đổ ra đường.
Trước đó, khoảng 6 giờ 40 ngày 6/9/2018, cũng trên tuyến đường này, tại làn đường số 1 (vận tốc cho phép 100km/h) Đội CSGT số 11 đã phát hiện và thu dọn vài m3 đất bị rơi vãi ra đường. Xa hơn, khoảng 16 giờ 30 ngày 31/8/2017, một đống đất, đá, gạch, cát cũng đã phủ kín 2/3 diện tích mặt đường Đại lộ Thăng Long…
 Lực lượng Thanh tra GTVT huyện Hoài Đức kiểm tra, xử lý một trường hợp xe bê tông làm rơi vãi vật liệu ra đường.
Theo lãnh đạo Đội CSGT số 11, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, không chỉ gây mất VSMT, tình trạng đất, cát rơi vãi ra đường đã khiến việc di chuyển của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo lãnh đạo Công ty Urenco 7, đơn vị phụ trách thu gom rác, thải trên tuyến Đại lộ Thăng Long, năm 2018, đơn vị đã tiến hành thu gom gần 1.800m3 đất, cát bị rơi vãi ra đường.
“Để đảm bảo vệ sinh môi trường trên tuyến Đại lộ Thăng Long, đơn vị vẫn thường xuyên bố trí lao động, máy móc làm nhiệm vụ trên tuyến. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại vẫn chưa đạt được như kỳ vọng” – lãnh đạo Công ty Urenco 7 chia sẻ.
Phải xử lý tận gốc
Liên quan đến tình trạng trên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đào Văn Ban – Đội phó Đội Thanh tra GTVT huyện Hoài Đức cho biết, nhằm đảm bảo trật tự ATGT, VSMT trên tuyến Đại lộ Thăng Long, đoạn qua địa bàn, đơn vị vẫn thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra làm nhiệm vụ trên tuyến.
Tuy nhiên, việc xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm, đăc biệt là trên làn đường cao tốc (làn phía trong dành cho ô tô) gặp không ít khó khăn. Theo lý giải của ông Ban, tuyến Đại lộ Thăng Long mặc dù đi qua địa bàn, nhưng trên địa bàn lại không có đường dẫn vào (đường vào tại quận Nam Từ Liêm, đường ra tại huyện Thạch Thất - PV) nên việc kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn.
Thực tế cho thấy, nhằm hạn chế những hệ lụy trong quá trình triển khai dự án, hoạt động của trạm trộn bê tông… ngoài việc tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng đã yêu cầu các DN ký cam kết đảm bảo VSMT.
Tuy nhiên, ý thức của các lái xe, DN còn hạn chế nên hiệu quả đem lại chưa đạt như kỳ vọng. Đơn cử, trường hợp của trạm trộn bê tông An Phước, mặc dù đơn vị này đã đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo trật tự ATGT, VSMT… Tuy nhiên, với tần suất trung bình 300m3/ngày, thậm chí ngày cao điểm lên tới hơn 1.000m3 thì việc đảm bảo tuyệt đối các quy định cũng khó đạt được như mong đợi.
Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, để hạn chế những hệ lụy phát sinh, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, các đơn vị có chức năng cần xem xét lại quy hoạch các cơ sở, trạm trộn bê tông trong khu vực để giải quyết tận gốc vấn đề.

"Hiện nay, dọc Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn huyện Hoài Đức có 7 cơ sở, trạm trộn bê tông và nhiều trạm trộn nằm trong các dự án." - Đội phó Đội Thanh tra GTVT huyện Hoài Đức Đào Văn Ban