Xử phạt hành chính về chăn nuôi: Nhiều quy định vẫn nằm trên giấy

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4, quy định rõ về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm về phúc lợi động vật, với mức phạt lên tới 50 triệu đồng. Đây được coi là cơ sở quan trọng để đưa các quy định về phúc lợi động vật vào thực tiễn.

Trang trại chăn gà vi sinh Thu Thoan, ở Sóc Sơn. Ảnh: Nga Phương
Tăng cường chế tài xử lý
Vấn đề phúc lợi động vật đã được quy định rõ tại Điều 69, 70, 71 và 72 Luật Chăn nuôi 2018, bao gồm các quy định nhằm đảm bảo vật nuôi không bị đói, khát, căng thẳng, sợ hãi và đặc biệt không bị đối xử thô bạo trong các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ... Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định này hiện mới được một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn và các cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại triển khai. Còn đại đa số các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ chui chưa chấp hành.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, để kiểm soát các quy định về phúc lợi động vật là rất khó khăn. Thêm vào đó, các quy định không đi kèm chế tài xử phạt cụ thể nên địa phương chưa có cơ sở để xử lý.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải, việc Chính phủ ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi sẽ là cơ sở quan trọng để đưa các quy định về phúc lợi động vật vào đời sống. Khi các mức xử phạt đã cụ thể, rõ người, rõ việc, người chăn nuôi sẽ chủ động chấp hành. Theo đó, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ. Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp. Hành vi đưa vật thể lại, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ có thể bị phạt từ 5 – 50 triệu đồng (tùy vào khối lượng động vật vi phạm). Cùng với đó, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại hoạt động chăn nuôi; đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 1 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm.

Yêu cầu của chăn nuôi hiện đại

Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) là một trong những cơ sở thực hiện khá tốt các quy định về phúc lợi động vật. Ngoài tạo môi trường chăn nuôi an toàn cho vật nuôi, HTX còn đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại. Theo đó, lợn trước khi đưa vào giết mổ được chuyển đến một phòng riêng nghỉ ngơi, sau đó được chích ngất. Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long cho biết, đảm bảo phúc lợi động vật không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân con vật mà còn có lợi ích thiết thực với cả con người, xã hội và môi trường. Cụ thể, con vật được chăm sóc tốt sẽ hạn chế ốm đau, phát triển nhanh, người chăn nuôi có thể giảm thiểu một số chi phí đầu vào. Việc tạo cảm giác thư thái cho lợn trước khi giết mổ để con vật không phải trải qua trạng thái stress, không chỉ là việc làm nhân đạo mà còn là giải pháp khoa học để đảm bảo thu được khối lượng sản phẩm tối đa và chất lượng sản phẩm tốt nhất từ con vật.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, trước xu thế hội nhập hiện nay, nếu chúng ta vẫn giữ cách chăn nuôi truyền thống, manh mún và không đặt lên bàn cân về phúc lợi động vật thì rất khó để cạnh tranh và phát triển. Bởi khi chúng ta hội nhập, sản phẩm phải đảm bảo các yêu cầu về phúc lợi động vật mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu qua đường chính ngạch sang các nước. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện nay là sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, để đảm bảo được rằng con vật được sản xuất ở một cơ sở văn minh, có phúc lợi động vật tốt. Do đó, đối xử nhân đạo với vật nuôi là nền tảng để thay đổi nhận thức về quản lý và chăn nuôi, nhằm xây dựng nền chăn nuôi phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay.
Để chính sách về phúc lợi động vật đi vào đời sống, bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật thì cần tăng cường giáo dục nhận thức của người dân. Bởi, phúc lợi động vật không chỉ nằm ở phạm vi của ngành thú y, hay chăn nuôi mà còn là vấn đề chung của xã hội. Xã hội am hiểu và nhận thức đúng đắn thì họ sẽ có những tác động ngược lại lên ngành chăn nuôi.

Nguyên Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam GS.TS Nguyễn Xuân Trạch

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần