Xử phạt hành chính vi phạm về dạy thêm học thêm: Nhiều băn khoăn

Thủy Trúc – Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD&ĐT xây dựng đưa ra nhiều hành vi có khung tiền phạt cao để đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, quy định này gây ra không ít ý kiến băn khoăn, nhất là quy định về dạy thêm học thêm, xúc phạm nhân phẩm người học.

Tăng mức hình phạt để không ép học thêm
So với Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013, bản dự thảo lần 2 này đã bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm để có sơ sở pháp lý xử phạt. Theo đó, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất; Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm; Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa. Đáng chú ý, phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
 Giờ học Toán của cô và trò trường Tiểu học Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Chiến Công
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc đưa ra các hình thức phạt nghiêm để hạn chế tiêu cực trong nhà trường là điều rất nên làm. Giáo viên (GV) phải tự chịu trách nhiệm về việc làm sai trước pháp luật. Còn nếu để nhà trường xử lý GV vi phạm sẽ trở thành đôi co giữa hai bên, làm mất đi tính giáo dục.

Trao đổi về hành vi ép buộc học sinh học thêm bị phạt từ 8 – 10 triệu đồng, nhiều GV cho rằng, rất khó để phân biệt ranh giới. Bởi chỉ cần học sinh ký vào đơn tình nguyện học thêm (mẫu đơn được phát sẵn) là không ép buộc, nhưng thực tế vẫn có sự gây sức ép để các em phải đăng ký. Cô Bùi Kim Ngân – GV Hệ thống Giáo dục Hòa Bình – La Trobe Hà Nội nêu quan điểm, việc học thêm là quyền và nhu cầu chính đáng của cá nhân người học nhằm củng cố hoặc nâng cao kiến thức. Nếu người học có nhu cầu và tự nguyện thì đó là chính đáng, GV có quyền dạy thêm, phụ đạo nhưng phải đăng ký theo quy định. Còn nếu GV ép học sinh thì nên phạt mức 30 triệu đồng thay vì 10 triệu đồng như trong dự thảo. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt được người học tự nguyện hay ép buộc.

"Hiện nay, rất nhiều học sinh có nhu cầu được học thêm. Nếu các em ra trung tâm học thêm thì phụ huynh phải ngừng mọi hoạt động để đưa, đón con. Vì thế, cho học sinh ra trung tâm học rất khó khả thi." - Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) Nguyễn Khắc Thành

Để chấm dứt tình trạng này, TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị Bộ GD&ĐT cần ra quy định cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Học sinh có nhu cầu học thêm, GV có nhu cầu dạy thêm thì đến trung tâm. Nhà trường chỉ nên phụ đạo học sinh yếu kém hay bồi dưỡng các em giỏi nhưng không được phép thu tiền.

Đề nghị tổ chức học thêm theo lớp chính khóa

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, rất cần một Nghị định để điều chỉnh hành vi, “tuýt còi” những vi phạm trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo nhiều trường phổ thông phân vân là phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa. Thực tế, trước đó, năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, tại Điều 3, mục 4 của Thông tư này quy định: “Không tổ chức lớp dạy thêm học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh”. Thực tế triển khai cho thấy, nhiều trường thường chọn luôn GV dạy lớp chính để dạy thêm cho cả lớp. Bởi họ cho rằng, trong một lớp học đã bố trí học sinh có học lực tương đương nhau. Các học sinh yếu kém nhìn bạn học giỏi để phấn đấu. Nếu tới đây, Bộ GD&ĐT không cho phép các trường được tổ chức dạy thêm theo các lớp chính khóa, rất có thể dẫn đến tình trạng trong một lớp học thêm sẽ giảm em này, em kia để thực hiện theo đúng quy định.

Còn trong trường hợp, Bộ GD&ĐT muốn GV khác dạy thêm cho khách quan thì dẫn đến hậu quả khác. Thầy Nguyễn Khắc Thành lấy ví dụ môn Ngữ văn, cô giáo dạy chính khóa đưa ra nội dung bình bài này mới đúng, nhưng GV dạy thêm lại bình giảng theo hướng khác, học sinh không biết nghe theo ai. Như vậy, việc học thêm có khi lại làm khó học sinh, rất mệt mỏi. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nên cho phép các trường tổ chức lớp dạy thêm theo lớp học chính khóa. GV dạy lớp chính khóa cũng dạy lớp học thêm luôn. Chia sẻ về việc này, với vai trò phụ huynh học sinh, chị Hoàng Thị Thanh Vân (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho hay: “Nếu thấy con mình yếu kém ở môn nào thì tôi sẽ phối hợp với GV để cho con học thêm. Theo tôi, không nên ép học sinh học theo phong trào”. Hơn nữa, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, học thêm theo lớp chính khóa, các em học sinh cùng lớp, khi về nhà sẽ trao đổi bài vở dễ dàng và thuận tiện hơn so với phải học với các bạn khác lớp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần