Xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm gần 40 tỷ đồng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 22/2.

Lực lượng chức năng liên ngành của Hà Nội kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm
Những năm qua, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đảm bảo răn đe, ngăn ngừa tái phạm được Bộ NN&PTNT quán triệt, triển khai nghiêm túc. Năm 2018, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 70.592 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; qua đó, phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt với tổng số tiền 39,8 tỷ đồng.
Kết quả giám sát tại các địa phương từ năm 2018 cũng cho thấy, đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực so với năm 2017, 2016.
Cụ thể năm 2018, các cơ quan chức năng không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; 271/2.060 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh (chiếm 13,1%, giảm so với năm 2017 là 26,7%); 5/2.472 mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh (chiếm 0,2% giảm so với năm 2017 là 0,63%, năm 2016 là 1,76%); Riêng tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 46 mẫu/3.018 mẫu, chiếm 1,5% (tăng so với năm 2017 là 0,89%, năm 2016 là 1,07%).
Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan và các địa phương yêu cầu truy xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và tăng cường kiểm soát trong sản xuất, lưu hành, sử dụng thuốc thú y, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tổ chức kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các sự cố an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người dân. Đồng thời, giải quyết kịp thời, hiệu quả các rào cản kỹ thuật về kiểm dịch và an toàn thực phẩm, duy trì xuất khẩu nông sản, thủy sản sang các thị trường truyền thống như: EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt khoảng 40 tỷ USD.