Xử phạt vi phạm bản quyền: Khó trong việc thực thi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thông tin chính thức từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ này đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan.

Thực tiễn yêu cầu sửa đổi

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 47 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan đã được áp dụng một cách khá hiệu quả trong thời gian vừa qua, tuy nhiên trong thực tiễn, các cơ quan thẩm quyền xử lý hành chính các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn gặp phải một số khó khăn.

Cụ thể như, đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, việc xác định giá trị hàng hóa theo hướng dẫn không thể định giá được. Mặt khác, theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, khi lập biên bản vi phạm hành chính sau 10 ngày phải ra quyết định xử phạt. Trường hợp phức tạp là 30 ngày, nhưng nếu để thành lập được Hội đồng xem xét giá trị hàng hóa vi phạm cũng mất thời gian và gặp khó khăn.

Theo tổng hợp của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì 63 thanh tra Sở trực thuộc chưa xử phạt vi phạm hành chính được bằng hình thức phạt tiền đối với các điều mà Nghị định yêu cầu phải xác định giá trị hàng hóa vi phạm.

Chính vì thế, cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 47 theo hướng bổ sung quy định xác định giá trị hàng hóa vi phạm cho phù hợp và bổ sung hình thức phạt tiền đối với một số hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm.

Đối với hình thức xử phạt, đáng chú ý nhất là 2 nội dung: Trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm thì phạt tiền từ 10 triệu lên 90 triệu đồng như đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm.

Trong trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm thì phạt tiền từ 20 triệu lên 80 triệu đồng (đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng).

Thông tin cũng từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết các ý kiến đóng góp về cơ bản đều nhất trí với Dự thảo Nghị định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị Chính phủ xem xét và quyết định ban hành Nghị định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, để công tác này mang lại hiệu quả cao nhất trong thực tiễn.

Xử phạt cần hơn mức phạt!

Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự cần thiết của Nghị định sửa đổi lần này nổi lên vấn đề gì, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết cần phải quy định rõ ràng về đối tượng thực thi. Đó chính là giao cho cơ quan nào xử phạt, vì vừa rồi thanh tra cũng không quyết định được. Chỉ có ở thành phố Hồ Chí Minh thì việc xử phạt vi phạm mới bước đầu dược thực hiện, còn những nơi khác nói xử phạt tiền các vi phạm về bản quyền tác giả, người ta thấy ngỡ ngàng!

"Thiết nghĩ việc giao quyền cần cụ thể, rõ ràng ví dụ như cho thanh tra ngành văn hóa phối hợp cùng các tổ chức quyền tác giả. Bởi vì nếu không thì đối tượng vi phạm dù quy định phải bồi thường nhưng không biết bồi thường cho ai. Tất nhiên là bồi thường cho tác giả nhưng nếu không thông qua đại diện của tác giả với nghiệp vụ bảo vệ quyền tác giả thì thật khó thực hiện hiệu quả," ông Phó Đức Phương nói.

Mặt khác, ông Phương cũng cho rằng không nên quan tâm quá nhiều chuyện mức xử phạt nặng-nhẹ, cao-thấp mà cần quan tâm việc có thực thi được không, có giá trị nâng cao nhận thức pháp luật chung hay không. Từ đó, tác giả không bị thiệt thòi về vật chất chỉ là một khía cạnh, song đảm bảo tôn trọng đầy đủ và nghiêm túc quyền tác giả trong mọi trường hợp xảy ra vi phạm mới là điều cần thiết./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần