Xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường: Thực thi triệt để, tránh nhờn luật

Bài, ảnh: Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 2, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực.

Theo các chuyên gia môi trường, đây là điểm tựa pháp lý tốt để hướng tới mục tiêu đô thị sạch đẹp, văn minh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại quy định có được thực thi một cách triệt để, mang lại hiệu quả trong thực tiễn.

Rác vẫn... ngập đường

Sau hơn một tuần Nghị định 155 có hiệu lực, theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội những hành vi như xả rác ra đường phố, vỉa hè hay vô tư tiểu tiện ngoài đường vẫn khá phổ biến. Vào buổi chiều tối, chân cột điện, gốc cây, gầm cầu… rác thải vẫn được chất thành đống. Điển hình như đoạn đường ven sông Lừ từ cầu Định Công đến đường Nguyễn Cảnh Dị (phường Định Công), đường Định Công Thượng (phường Đại Kim) rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng được chất đống ngay giữa lòng đường, vỉa hè gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông.
 Rác thải xây dựng chất đống tràn vỉa hè, lòng đường phố Định Công Thượng, Hoàng Mai.
Chị Nguyễn Thị Thuần, công nhân Xí nghiệp môi trường đô thị Thanh Trì cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay (thời điểm Nghị định 155 có hiệu lực), việc thu gom rác do người dân vứt bừa bãi tại mặt đường, ngõ phố, trong các khu dân cư không hề giảm. Thậm chí nạn đổ trộm rác vào ban đêm có phần nhiều hơn trước. “Nhiều người vẫn giữ thói quen vứt rác ra đường chờ công nhân vệ sinh đến dọn chứ chưa có biểu hiện của việc “sợ phạt” – chị Thuần cho biết. Tương tự hành vi xả rác bừa bãi, theo ghi nhận của chúng tôi, những hành vi như, tiểu bậy, vứt đầu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến, có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố.

Chính quyền khó giám sát

Ghi nhận của phóng viên, thời điểm hiện tại đại đa số người dân còn thờ ơ với mức phạt mới. Trong khi đó, các địa phương lại lúng túng khi xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm. Theo ông Nguyễn Cường Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai), địa bàn quận rất rộng, cán bộ phụ trách trật tự đô thị, VSMT lại mỏng nên rất khó có thể giám sát các hành vi gây ô nhiễm môi trường của người dân để xử phạt. Nhiều khi ra được quyết định xử phạt nhưng gặp các trường hợp vi phạm chây ỳ không chịu nộp tiền phạt thì rất khó để cưỡng chế. Ở nhiều nước trên thế giới, tiền phạt trừ trực tiếp qua tài khoản nhưng ở ta người vi phạm lại chủ yếu là dân lao động nghèo nên việc tự giác mang tiền đi nộp phạt là khó… Do vậy trước mắt phường mới đang kết hợp với các đơn thị thu gom rác tập trung tuyên truyền tới các hộ dân tại các tuyến phố chính nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Sau đây đợi tiếp thu hướng dẫn chỉ đạo của quận và TP về việc áp dụng Nghị định 155.

Tương tự, ông Triệu Như Long - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, việc tăng mức xử phạt của Nghị định 155 là giải pháp tốt để ngăn ngừa những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên trách nhiệm xử phạt của cấp phường như thế nào, cho đến thời điểm này đơn vị vẫn chưa nhận được hướng dẫn hay mẫu biên bản xử phạt các hành vi nêu trên.

Vào cuộc đồng bộ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phạt tiền là chữa phần ngọn chứ chưa chữa được tận gốc. Vì vậy, cần phải giáo dục, tuyên truyền nhiều hơn nữa về hành vi văn hóa, văn minh và lối sống thượng tôn pháp luật. Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, để Nghị định 155 đi vào thực tiễn có hiệu quả cần phải tuyên truyền sâu rộng, các địa phương phải cụ thể hóa bằng những hướng dẫn thực hiện hết sức chi tiết, cụ thể. Quan trọng là chính quyền các địa phương làm sao để đội ngũ cán bộ thực thi các quy định phát huy hết trách nhiệm xã hội của mình, tránh để xảy ra tiêu cực hoặc làm ngơ cho vi phạm.

Đồng quan điểm, Thạc sỹ tâm lý học xã hội Nguyễn Anh Minh cho rằng, mức phạt cao tại Nghị định 155 đã đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào việc xử phạt của chính quyền các cấp thì hiệu quả sẽ rất thấp. Do đó, cần huy động sự vào cuộc, giám sát của chính những người dân. Các cơ quan chức năng có thể lập các trang web, trang mạng xã hội để người dân có thể gửi những thông tin, hình ảnh người vi phạm, từ đó có thể “phạt nguội”. Thậm chí, đối với cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm nhiều lần thì có thể “đánh” vào danh dự bằng việc nêu tên dán ảnh vi phạm lên bảng tin của khu dân cư. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, nếu không thực hiện xử phạt nghiêm những hành vi xả rác bừa bãi thì sẽ đến lúc không có đủ đội ngũ nhân lực dọn dẹp đường phố.

Nghị định 155 của Chính phủ ra đời là cây gậy pháp lý hữu hiệu để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, hiệu quả của nó lại trông chờ rất nhiều vào việc thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để với sự vào cuộc đồng bộ từ cả chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể chính trị và người dân. Tất cả cùng bắt tay vào cuộc với quyết tâm cao thì việc ngăn chặn những hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường nơi công cộng có lẽ không phải là việc quá khó.

Theo Điều 20, Nghị định 155/2016/ NĐ-CP, các hành vi như vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng; tiểu tiện, đại tiện bậy bạ bị phạt 1 - 3 triệu đồng; xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 3 - 5 triệu đồng; xả rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng.

Sáng 10/2, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phát hiện 3 trường hợp có hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu vực ven đường Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt. Ngay lập tức Đội cảnh sát môi trường quận Hoàng Mai đã tiến hành lập hồ sơ đề xuất xử lý hành chính đối với mỗi trường hợp vi phạm này số tiền phạt là 2 triệu đồng vì vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần