Xử phúc thẩm nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/12, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đưa vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” dẫn đến thiệt hại trên 16.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank) ra xét xử phúc thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5/12 (bị cáo Đặng Thanh Bình đứng).
Theo đó, 5 bị cáo gồm: Đặng Thanh Bình (SN 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, án sơ thẩm tuyên 3 năm tù); Hà Tấn Phước (SN 1963, nguyên Phó Giám đốc NHNN tỉnh Long An, nguyên tổ trưởng tổ giám sát, án sơ thẩm 2 năm tù); Lê Văn Thanh (SN 1964, nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An, án sơ thẩm 2 năm 6 tháng tù); Phạm Thế Tuân (SN 1956, nguyên tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó Giám đốc VietcomBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, án sơ thẩm tuyên 1 năm tù) và Ngô Văn Thanh (SN 1977, nguyên Phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ VietcomBank, thành viên tổ giám sát, án sơ thẩm tuyên 1 năm 6 tháng tù). Bị cáo Bình kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm hình sự ngày 2/7/2018 của TAND TP Hồ Chí Minh. 4 bị cáo còn lại đều xin giảm mức án sơ thẩm để hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự đối với số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng bị thiệt hại đã được xác định do Phạm Công Danh cùng đồng phạm sử dụng. Vì vậy, tại bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh miễn trách nhiệm cho 5 bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, giúp Thống đốc NHNN thực hiện tái cơ cấu (TCC) 6 ngân hàng có tình trạng tài chính xấu theo đề án TCC của Chính Phủ. Bị cáo Bình biết nhóm Phạm Công Danh đã nhận chuyển nhượng cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, sau đổi thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) từ nhóm Hứa Thị Phấn khi chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho TCC, nhưng bị cáo không cương quyết xử lý; không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án TCC TrustBank/VNCB do chính NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, để nhóm này sử dụng ngân hàng như một “phương tiện” thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại hơn 16.000 tỷ đồng cho VNCB, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Án sơ thẩm cũng kết luận dù các bị cáo được giao nhiệm vụ cụ thể, nhưng thụ động, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, để Phạm Công Danh tùy tiện rút tiền mà không ngăn chặn. Đối với các bị cáo Lê Văn Thanh (tổ trưởng tổ giám sát từ 15/10/2013 đến tháng 4/2014), Hà Tấn Phước là đồng ý cho VNCB gửi các khoản tiền sang thị trường 2 (1.854 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương tín, trên 1.706 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong và 3.070 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam), nhưng không giám sát và yêu cầu thu hồi tiền gửi theo đúng quy định, để Phạm Công Danh lợi dụng hợp đồng tiền gửi này làm tài sản đảm bảo cho các công ty của Danh vay tiền và gây ra thiệt hại nêu trên.
Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX gọi hỏi bị cáo Đặng Thanh Bình về bản án sơ thẩm nêu có đúng không, vì sao kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm? Bị cáo Bình khẳng định: “Bản án sơ thẩm nêu chưa đúng, kết tội tôi quá nặng. Tôi thấy mình có thiếu sót nhưng không đến như án sơ thẩm tuyên nên kháng cáo xem xét lại”.
Còn bị cáo Hà Tấn Phước cho rằng những nhận định của HĐXX sơ thẩm có những khoản chưa đề cập đến, xử bị cáo án tù giam quá nghiêm khắc nên kháng cáo xin HĐXX cấp phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần