Xứ Thanh - cội nguồn của những di sản văn hóa

Theo báo Thanh Hóa
Chia sẻ Zalo

Thanh Hóa được ví như hình ảnh của Việt Nam thu nhỏ với 4 vùng địa lý - kinh tế đặc thù: Miền núi, miền biển, đồng bằng và trung du.

Ở nước ta, sông Hồng đã làm nên nền văn minh Việt phía Bắc thì sông Mã xứ Thanh cũng góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Đất “thang mộc”, đất “quân vương” và cũng từng là đất kinh kỳ đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng và tiếp cận với chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng ở trong nước và bên ngoài, thể hiện rõ sắc thái văn hóa xứ Thanh hội tụ và lan tỏa vào văn hóa Việt.
ứ Thanh nơi sản sinh và bảo tồn nhiều yếu tố văn hóa Việt cổ và những dấu ấn văn hóa đặc sắc của cha ông trong chiều dày lịch sử dựng nước và giữ nước. Di tích khảo cổ học: Núi Đọ, Con Mong, Đa Bút, Hoa Lộc, Đông Sơn... minh chứng xứ Thanh nơi xuất hiện những con người tối cổ và trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Múa rồng tại Lễ hội Đền Đồng Cổ (Yên Định). Ảnh: N.A
Thanh Hóa cũng như Bắc bộ là cái nôi của làng xã cổ truyền. Trải thời gian, miền quê này vẫn còn lưu lại những tên gọi về làng xã có tự xa xưa như: kẻ, xá, trang, hương, phường, vạn. Ngày nay tên kẻ còn được nhiều làng, xã tỉnh Thanh quen gọi: kẻ Rị, kẻ Chè, kẻ Lở, kẻ Lào, kẻ Xộp, kẻ Mơ, kẻ Trường, kẻ Mom... Những tên gọi cổ xưa ấy đến nay vẫn được người dân sử dụng. Phương ngữ xứ Thanh có nhiều thổ ngữ cổ, cùng gốc Việt Mường. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng nhận xét: “Người xứ Thanh có một cách phát âm tiếng Việt khó lẫn, không nhẹ lướt như tiếng Hà Nội xứ Bắc, không nặng - lặng trầm như tiếng Nghệ - xứ Trung. Xứ Thanh là sự mở đầu của “mô - tê - răng - rứa” của miền Trung, dân Hà Nội phải nghe lâu và phải học thì mới biết được”.
Nếu đồng bằng châu thổ Bắc bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt thì ở xứ Thanh, đồng bằng sông Mã sản sinh và lưu giữ những câu chuyện cổ từ thuở hồng hoang lịch sử với các huyền thoại về ông khổng lồ đào sông cõng núi, mở xóm dựng làng, làm nên non sông đất Việt với những anh hùng có tên và không tên. Truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh của Bắc bộ theo dòng chảy của văn hóa Việt đến xứ Thanh còn in trên miền đất này với tục thờ thần núi Tản, thờ Thánh Gióng ở núi Sóc - Vĩnh Lộc ở làng Ngô, xã Thạch Lập, Ngọc Lặc. Truyền thuyết và đền thờ An Dương Vương và Mỵ Châu ở TP Sầm Sơn - thị xã Nghi Sơn, truyền thuyết thần Đồng Cổ ở Yên Định, truyền thuyết nàng Vọng Phu (núi Nhồi - TP Thanh Hóa )... in đậm trong tâm thức người dân xứ Thanh, hội tụ và lan tỏa trong hệ thống truyền thuyết, truyện cổ của dân tộc.
Xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của ng­ười Việt và của đồng bào các dân tộc thiểu số còn l­ưu lại đến ngày nay đậm nét. Trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ, bắt gặp quả bầu - biểu tượng về nguồn gốc và sự ra đời của các dân tộc anh em trên đất nước ta; cây Thần - cây Si trong mo Đẻ đất đẻ nước của ng­ười Mường cành ngả ra tới đâu thành bản thành làng tới đó. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như: ông B­ưng, ông Lau, ông Vồm... đội đá vá trời, khai sinh ra sông ngòi, ruộng đồng t­ươi tốt của người Việt, đó là ông Thu Tha bà Thu Thiên của người M­ường, Ải Lậc Cậc, Khăm Panh của người Thái, Chương Han của người Khơ Mú... lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, đánh đuổi kẻ thù bảo vệ cuộc sống... Xứ Thanh có sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường và “Khăm Panh” của người Thái khá nổi tiếng. Đẻ đất đẻ nước - áng Mo đồ sộ với trên 2 vạn câu đã phản ánh nhận thức của Mường - Việt cổ về tự nhiên, xã hội, con người. Truyện cười Thanh Hóa với truyện: Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Chúa Chổm... đặc sắc, vừa là sản phẩm của văn hóa dân gian và văn hóa bác học, mang những nét riêng của truyện cười tỉnh Thanh, vừa tích hợp những câu chuyện cười của cả nước.
Ở nước ta có bao nhiêu tôn giáo, tín ngưỡng thì ở xứ Thanh cũng có bằng ấy tôn giáo, tín ngưỡng được người dân ngưỡng vọng và chiêm bái. Thanh Hóa lưu giữ nhiều các lễ tục phong phú và đặc sắc như đốt Đình Liệu vào đêm 30 tết, tục vật cầu ở làng Phong Lai... cầu ánh sáng; tục thờ đá, thờ vía lúa... Tín ngưỡng phồn thực phổ biến mọi vùng miền như: trò Chụt, trò Lý Liên, tục chơi Hang Lãm... cầu cho cây trái tốt tươi, vật nuôi sinh sôi nảy nở... của cư dân trồng lúa nước từ thuở Hùng Vương.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở tỉnh Thanh phổ biến và đa dạng như thờ mẹ Âu Cơ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thiên, Mẫu Thoải..., nổi tiếng với “đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”. Đặc biệt Thanh Hóa là địa phương duy nhất phát tích Nội Đạo Tràng còn gọi là Đạo Đông. Đó là hình thức tín ngưỡng khá độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng và đến tận những năm 1945 của thế kỷ XX Đạo Đông còn lan tỏa đến cả chốn Kinh Kỳ - Hà Nội. Thần Độc Cước được Nhân dân ở khắp nơi phụng thờ và Sầm Sơn, xứ Thanh là nơi phát tích, đền thờ Ngài xây cất từ nơi tảng đá có vết chân thần. Tục thờ mang đậm tính dân gian nhưng tích hợp với Phật, Lão, Nho giáo và Bà la môn - Chăm pa.
Thần Đồng Cổ không phải chỉ xuất hiện ở Thanh Hóa mà có ở một số nơi trên đất nước ta, thế nhưng đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê (Yên Thọ - Yên Định) là đền thờ đầu tiên ở xứ Thanh và sau này được nhà Lý rước thần Đồng Cổ ra Thăng Long để thờ vọng.
Xứ Thanh là cái nôi của trò diễn với nhiều trò diễn đặc sắc, đó là hệ thống trò: Ngũ Bôn, trò Chiềng, trò Rủn, chèo Chải, Múa Đèn, trò Xuân Phả... Đồng bào dân tộc ít người có trò diễn Pồn Pôông, Kin chiêng boọc mạy, múa rùa, múa bát, múa chuông... Miền đất xứ Thanh là một trong những cái nôi của rối nước, rối cạn. Rối cổ truyền có ở làng Chuộc “pháo Ngò, trò Chuộc” thuộc Thiệu Tiến, Thiệu Hóa; rối cạn làng Nam Ngạn với chú Tễu làm trò, các quân rối tập trận, đu dây...
Nói đến Thanh Hóa là nói đến miền đất của dân ca, dân vũ phong phú và đa sắc màu. Sông Mã không chỉ là con sông mang phù sa và nước ngọt tưới tốt ruộng đồng, dòng sông này còn là dòng sông văn hóa làm nên nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Sông Mã chảy qua nhiều tỉnh rồi đổ về biển cả, nhưng chỉ có ở xứ Thanh mới có điệu hò sông Mã,“câu hò ướt đẫm mồ hôi/ bao đời vẫn đẩy trăng trôi với thuyền”. Dân ca Đông Anh với lời ca đắm say “lên chùa bẻ một cành sen/ ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” kết hợp giữa hát và múa và động tác lao động tuy vất vả nhưng lại phơi phới lạc quan yêu đời.
Thanh Hóa có hình thức sân khấu độc đáo đó là “hát Bội” - hát Tuồng mà Bắc bộ hầu như không có. Hát tuồng diễn ở đình, trong các dịp lễ hội vừa mang tính cung đình và dân gian. Hát bội Thanh Hóa đã theo Đào Duy Từ vào miền Trung để sáng tạo ra tuồng Huế và hát bội vùng xứ Quảng. Xứ Thanh là một trong những cái nôi của ca trù, người Thanh Hóa gọi là hát cửa đình, hát ca công. Những làng hát ca công nổi tiếng đến nay vẫn còn lưu giữ như: Ngọc Trung (Thọ Xuân), Bái Thủy (Yên Định), Hoa Trai (thị xã Nghi Sơn)... Xứ Thanh đất của những làn điệu hát chèo với tục hát chèo thờ làng Mưng (Nông Cống), nôi của chèo, thờ ông tổ nghề hát này; chèo cạn Hoằng Phượng, Phú Khê, Quỳ Chử (Hoằng Hóa); Chèo Chải ở Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa; Chèo Ma ở các huyện miền núi Cẩm Thủy, Bá Thước... Thanh Hóa cũng như Nghệ Tĩnh đều có hát ví, nhưng hát khúc Nghi Sơn không phải là làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh, phảng phất lối hát ví đồi chè không theo thể thơ lục bát mà theo thể tự do.
Lễ hội cổ truyền ở tỉnh Thanh diễn ra hầu như quanh năm, từ non cao Mường Lát theo dòng Mã giang về cửa biển Lạch Trào, hay khởi đầu từ đèo Ba Dội tới đèo Hoàng Mai. Các làng bản người Mường, Thái, Kinh, Thổ... mở hội khai hạ, xuống đồng. Bản Lùm Nưa, mường Trịnh Vạn mở hội Nàng Han cầu cho nhân khang, vật thịnh; làng Ngọc, Cẩm Lương mở hội cầu nước cho cây trồng quanh năm tươi tốt; làng Giáp Mai (Nông Cống) tổ chức cấy cày, đưa cây mạ xuống ruộng đầu tiên và mong ước cho mùa về “lúa tốt bằng mây, lúa sây sậm hạt”. Các làng chài ven sông biển: Lạch Bạng, Lạch Ghép, Lạch Trường, Lạch Càn... mở hội cầu ngư tôn vinh các vị Thủy thần và thần Biển như: Độc Cước, Tứ vị Thánh Nương, Đức ông sông nước, Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần - Cá Voi. Các lễ hội gắn với các tôn giáo tín ngưỡng dân gian, như hội Đền Sòng, Phố Cát của Đạo Mẫu, lễ hội chùa Mậu Xương của Đạo Đông (Nội Đạo), lễ hội chùa Duy Tinh, Hương Nghiêm, Hạc Oa, Đót Tiên, Chùa Sỏi, hội chùa Báo Ân rước nước dâng tế thần linh, đức phật... vào dịp mùa xuân tưng bừng khai mở thu hút đông đảo Nhân dân xa gần tới đây để thắp hương lễ Phật, vui cảnh bồng lai.
Xứ Thanh từ xưa đã nổi tiếng với nghề dệt đan xăm súc, ngư cụ đánh cá, nghề đúc đồng và chạm khắc đá. Nghề đúc đồng với nghệ thuật trống đồng đã đạt tới đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn. Đến nay nghề đúc trống đồng và chế tác các nhạc cụ cồng chiêng... vẫn được các nghệ nhân và thợ đúc đồng Trà Đông, Thiệu Trung, Thiệu Hóa bảo lưu và phát huy nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của ông cha. Nghệ thuật chạm khắc đá với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như thành đá Tây Đô, nhà thờ đá Phát Diệm, hệ thống tượng, các con giống đá ở đền chùa, lăng tẩm..., đến nay vẫn được thợ đá An Hoạch (làng Nhồi, TP Thanh Hóa) khéo tay hay nghề tạo tác và kết tinh những nét tinh tế của nghệ thuật Việt và điêu khắc Chăm, Ấn Độ... kết hợp và thể hiện trong đá Thanh. Tộc người Mường ở Thanh Hóa cho đến nay vẫn còn giữ được dấu ấn của văn hóa Đông Sơn qua ngôn ngữ, tín ngưỡng... và đặc biệt với nghệ thuật thêu dệt hoa văn thổ cẩm, nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng,...
Văn hóa ẩm thực xứ Thanh đặc sắc như đồ ăn: cơm đồ, lợn thui, cá hấp, canh lóng, canh uôi...; đồ uống: Rượu cần, rượu siêu, chè xanh... từ văn hóa ẩm thực của đồng bào hôm nay vẫn còn “phả ra hương vị sơ sử” (PGS Từ Chi).
Di sản văn hóa trải qua hàng nghìn năm kết tinh thành giá trị, đã hình thành sắc thái văn hóa xứ Thanh, lan tỏa và trường tồn. Những giá trị văn hóa đó chính là tiềm năng vô cùng to lớn, kết tụ trí tuệ, tinh hoa và tâm hồn của cha ông trong trường kỳ lịch sử đấu tranh với thiên nhiên và trong quá trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Sắc thái văn hóa xứ Thanh phản ánh những giá trị bản địa, văn hóa cội nguồn, làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương trong thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH, hội nhập và phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần