“Xứ” thơ của Trần Lê Khánh

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/9, tại Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu và tọa đàm với tên gọi Xứ - thơ Trần Lê Khánh.

“Xứ” là tên buổi giao lưu và cũng là tiêu đề tập thơ thứ 6 của nhà thơ Trần Lê Khánh, ở đó chữ “xứ” được nhà thơ tình cờ phát hiện và anh cảm thấy có thể bao quát được tập thơ nên đã lấy làm tiêu đề cho tập thơ sắp ra mắt của mình.
Nhà thơ Trần Lê Khánh.
Theo nhà thơ Trần Lê Khánh: “Thơ, mỗi người có quan niệm khác nhau về thơ. Có người coi thơ là cái gì đó mình đọc và giải trí, có người đọc để cảm nhận chiều sâu cuộc sống. Với tôi, tôi nhìn mọi sự vật đều có chất thơ, kể cả công việc. Tôi nghĩ điều đó rất đẹp. Nói về sự cô đọng của tôi cho độc giả thì hãy nghĩ đến chữ “thơ” thôi, đã quá đủ rồi”.
Nhìn nhận về những sáng tác của Trần Lê Khánh, tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá: “Thơ của Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương Đông… Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc.
Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi. Tôi luôn nghĩ đến những bài thơ của Trần Lê Khánh với vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn và chiều kích vô tận của những hạt cây. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh kết tinh tựa một hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc…. Và luôn chứa trong đó một phôi mầm triết lý”.
Các diễn giả bình luận, chia sẻ về thơ của Trần Lê Khánh tại buổi toạ đàm.
Dưới góc độ nhà phê bình, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhìn nhận, Trần Lê Khánh có thao tác làm thơ độc đáo. Anh thường tìm cách kéo hai sự vật hoặc hai hiện tượng rất xa lại gần nhau. Cứ thế, lửa đặt cạnh nước, trắng đặt cạnh đen, hiện thực đặt cạnh tưởng tượng, mặt đất đặt cạnh thiên đường… để từng sự tương tác chuyển hóa thành thơ, để từng cơn va đập chuyển hóa thành thơ.
Theo nhà lý luận phê bình Ngô Văn Giá, Trần Lê Khánh là một ca rất lạ trong nền thơ Việt Nam hiện thời. Từ một nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tài chính, anh bước sang lĩnh vực sáng tác thơ. Thơ của anh tập trung vào kiểu thơ ngắn, cô đúc, tối giản, ít chữ mà gợi nhiều. Trong số thơ ngắn, anh dụng công nhiều vào thể thơ lục bát. Thơ anh tuy có lưu luyến đời sống thế tục, nhưng lại ngả hẳn sang chất “thiền thi”, nơi có khả năng thanh lọc và dẫn gợi.
Bên cạnh đó, Trần Lê Khánh không hứng thú với những lời thánh thót hay những câu vang vọng. Thơ anh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng những xa vắng trùng khơi. Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy.
Đọc thơ Trần Lê Khánh, không khó hình dung anh đang ngắm chiếc lá la đà cành thấp với màu xanh của bầu trời cao vọi. Thế nhưng, đọc thơ Trần Lê Khánh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần