Xuân về trên làng hoa giấy hơn 300 năm tuổi xứ Huế

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không rực rỡ, quý phái như nhiều loài hoa tự nhiên khác, hàng năm cứ vào mỗi độ giáp Tết Nguyên đán, hoa giấy Thanh Tiên lại lặng lẽ được đưa vào các phố thị để những người có nhu cầu mua về trang trí bàn thờ tổ tiên, góp thêm vào một nét đẹp dân dã đã có tính truyền thống cho mùa xuân xứ Huế.

Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng ở vào một vị trí khá đặc biệt bên bờ Nam hạ lưu sông Hương, phía Bắc giáp thôn Mậu Tài, Nam giáp Thế Vinh, Đông giáp Vọng Trì, Đông Tây giáp dòng sông Hương bởi cồn Triều Sơn nằm giữa. Thanh Tiên cách trung tâm TP Huế chừng 7km, nổi tiếng với nghề làm hoa giấy hơn 300 năm tuổi.
Làng hoa giấy Thanh Tiên tất bật, rộn ràng vào những ngày giáp Tết. Nếu đến Huế vào đúng thời điểm này, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những đóa hoa giấy đua nhau khoe sắc, điểm tô thêm sắc xuân ở vùng đất cố đô. 
Theo tài liệu, gia phả họ Trần (phụng tu ngày 4/5 năm Tự Đức 33), ngài khai canh của làng là Võ Đình Tiên, từ Sơn Tây phò chúa Nguyễn đến đóng đô ở Phú Xuân, đã có công khai canh 83 mẫu ruộng tại làng. Vì vậy, làng vốn có truyền thống làm nghề nông, tuy nhiên vào tháng Chạp, Thanh Tiên lại rộn rã với nghề làm hoa giấy.
Cứ vào dịp trước Tết là cả gia đình lại quây quần làm hoa. Các cháu nhỏ thì xếp, cắt giấy, phơi tre, phụ nữ thì nấu hồ, nhuộm giấy, còn nghệ nhân thực hiện phần việc khó, đòi hỏi kỹ thuật và tính thẩm mỹ như vót tre, đục hoa, dán, cuộn tăm…
Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp...
Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên chính là sự phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm. Một năm chỉ thay một lần vào dịp Tết nên hoa giấy Thanh Tiên dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nghề này vốn xuất phát từ làng sơn son Tiên Nộn (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) – một làng vốn có nghề làm hoa quỳ (hoa hướng dương) dùng để cúng bổn mạng, trang trí trên các am thờ. 

Trên cơ sở cây hoa quỳ của làng Tiên Nộn, các nghệ nhân của làng Thanh Tiên đã tìm cách sáng tạo và bổ sung làm nhành cây hoa giấy đẹp và đa dạng hơn, bằng cách thêm vào nhiều loại hoa, làm thêm các táng chân (nhụy), tăm (cuốn) và chông hoa (cây). Với sự phong phú và đa dạng ấy, hoa giấy Thanh Tiên đã đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần