Xuân về trên những bản làng

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một mùa Xuân mới đang về trên khắp các bản làng vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.

Kể từ khi hợp nhất về Hà Nội, diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực. Những cái Tết của đồng bào cũng thêm phần sung túc, đủ đầy hơn.
Diện mạo mới đón Xuân

Con đường được bê tông hóa khang trang, rộng, đẹp dẫn chúng tôi về với thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ). Nằm ven hồ Đồng Sương, giáp ranh tỉnh Hòa Bình, nơi đây được xem là khu vực có đời sống kinh tế - xã hội khó khăn bậc nhất ngày mới sáp nhập về Thủ đô.
 Ba con dân tộc Dao tại Ba Vì chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Chiến Công
Trưởng thôn Đồng Ké Trần Minh Công cho biết, nhiều năm trước, việc đi lại trong thôn rất vất vả do những con đường đa phần chưa được cứng hóa, lầy lội và trơn trượt vào mùa mưa. Hệ thống thủy lợi bị chia cắt khiến sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Mường nơi đây hết sức khó khăn. Không chỉ vậy, số điểm trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ít ỏi, nằm phân tán trở thành rào cản đối với nhu cầu tiếp cận, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc nơi xứ Mường heo hút…

Nhưng mọi thứ đã đổi thay rất nhiều kể từ khi tỉnh Hà Tây hợp nhất về với Thủ đô Hà Nội năm 2008. “Hơn 180 tỷ đồng đã được TP Hà Nội đầu tư, từng bước nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng cho xã Trần Phú. Nhờ đó năm 2017, Trần Phú trở thành xã vùng dân tộc thiểu số đầu tiên của Hà Nội về đích nông thôn mới…” - Phó Chủ tịch UBND xã Trần Phú Trần Công Huấn không giấu niềm vui, cho biết.

Cùng với xã Trần Phú, nhờ sự quan tâm, đầu tư lớn của TP Hà Nội, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã có nhiều đổi thay căn bản, tích cực. Đến nay, đã có tổng số 8/14 xã thuộc 5 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung về đích nông thôn mới. Ngoài xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) còn có 2 xã Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai); 3 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); 2 xã Minh Quang, Ba Trại (huyện Ba Vì). Còn lại 6 xã chưa về đích nhưng cũng đã đạt từ 11 - 17 tiêu chí nông thôn mới là xã An Phú (huyện Mỹ Đức) và 5 xã thuộc huyện Ba Vì là Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa, Khánh Thượng, Ba Vì.

Đời sống đổi thay từng ngày

Dọc con đường dẫn lên những nếp nhà nhỏ xinh ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì, không khí mùa Xuân đang về rộn ràng nơi vùng đất xa xôi nhất của Thủ đô. Đã nhiều lần đến với mảnh đất này nhưng mỗi lần ghé thăm là một lần chúng tôi không khỏi bất ngờ xen lẫn vui mừng, phấn khởi bởi những đổi thay trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Ngồi hàn huyên với chúng tôi, ông Lý Văn Phủ, người có uy tín thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) cho biết, nếu như ngày trước, đồng bào dân tộc Dao chỉ biết sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên từ Vườn Quốc gia, ngày ngày vào rừng săn bắn, hái lượm thì khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế hộ đã phát triển hơn rất nhiều. Nhờ hệ thống giao thông, thủy lợi được TP đầu tư, hạ tầng sản xuất đã được nâng cấp, tạo thuận lợi cho canh tác nông nghiệp của người dân.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, đồng bào dân tộc Dao nơi đây còn phát triển nghề trồng và chế biến cây thuốc Nam. “Dù vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc tiêu thụ, tuy nhiên ngành nghề truyền thống hàng trăm năm này đã và đang góp phần mang lại thu nhập khá cho nhiều đồng bào dân tộc Dao…” - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng nói về nghề thuốc Nam.

Ngoài xã Ba Vì, đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Dao ở các xã khác thuộc vùng dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì nói riêng, Hà Nội nói chung cũng đang phát triển rất mạnh nhiều ngành nghề nông thôn. Ở xã Ba trại, những cánh đồng chè xanh ngút ngàn đang thay thế dần nương rẫy vốn chỉ canh tác lúa, ngô. Đi qua các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, không khó để bắt gặp những đàn bò thung thăng gặm cỏ.

Ở xã Khánh Thượng, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mường đang sống khỏe nhờ cây dong riềng. Xa hơn về phía Nam Thủ đô, xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đang phát triển mạnh nghề trồng sen, nuôi trồng thủy sản. Trong khi tại 5 xã vùng đồng bào dân tộc thuộc 2 huyện Quốc Oai và Thạch Thất, chăn nuôi lợn, trồng rừng... đang trở thành điểm sáng tích cực trong kinh tế hộ.

Việc đa dạng hóa nguồn sinh kế đã giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô. Nhờ đó, đời sống của đồng bào cũng được cải thiện đáng kể. Dù tỷ lệ hộ nghèo so với mặt bằng chung của TP Hà Nội vẫn còn khá cao, tuy nhiên phần lớn các hộ đã không còn bị thiếu đói; không phải sống trong những ngôi nhà ở dột nát. Gia đình nào cũng có xe máy, tivi, điện thoại để sử dụng…

Hiệu quả từ chính sách dân tộc

Dù vẫn còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của Hà Nội, tuy nhiên không thể phủ nhận những đổi thay tích cực trong diện mạo và đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô. Thành quả đó có được không chỉ bằng nỗ lực của chính quyền và các tầng lớp Nhân dân địa phương mà còn nhờ sự quan tâm, đầu tư rất lớn của TP.

Đơn cử như tại huyện Ba Vì, Trưởng phòng Kinh tế Nguyễn Giáp Đông cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, địa phương đã huy động được khoảng 1.249 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 7 xã vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, ngân sách TP hỗ trợ lên tới gần 1.172 tỷ đồng (chiếm 94% tổng kinh phí đầu tư). 7 xã còn lại thuộc vùng đồng bào dân tộc cũng được bố trí hàng chục tỷ đồng mỗi năm để nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP còn bố trí hàng nghìn tỷ đồng thông qua 2 kế hoạch số 166 và 138 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô”, giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2020. Đến nay, tổng kinh phí TP đã hỗ trợ 14 xã thuộc 5 huyện là hơn 2.000 tỷ đồng.

Trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, cùng với việc triển khai có hiệu quả cơ chế đầu tư đặc thù, TP cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chính sách dân tộc của T.Ư như hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà an cư và nước sinh hoạt cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số… Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ trên không chỉ góp phần thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô, mà còn là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thống kê trong 10 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đạt bình quân trên 12%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp ngày một đồng bộ. Đến nay, 100% số xã đã có đường ô tô dẫn về trụ sở UBND, có điện lưới Quốc gia, có điểm bưu điện, hệ thống thông tin liên lạc. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc đã đạt 40 triệu đồng/năm, có nơi đạt gần 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, hiện còn 0,96%. Từ cuối năm 2017, Hà Nội đã không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn.