Việt Nam đã xuất khẩu được 10.600 tấn thịt lợn

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/6, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu (XK) sản phẩm chăn nuôi.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay thịt lợn đã được xuất khẩu (XK) chính ngạch sang một số thị trường trong khu vực như: Hồng Kông, Malaysia với hai loại sản phẩm là thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh. Cả nước có 6 cơ sở giết mổ XK sang Hồng Kông và 2 cơ sở giết mổ XK sang Malaysia. Năm 2016 sản lượng thịt lợn XK đạt 11.000 tấn, trị giá 100 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng XK đạt 10.600 tấn trị giá 46 triệu USD. Trong nhiều năm qua, sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai của Việt Nam luôn đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), không có lô hàng nào XK sang các nước bị trả về và đã tạo được uy tín trên thị trường.
Hội nghị hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Về thịt gia cầm, mới chỉ sản xuất và tiêu thụ trong nước, chưa có sản phẩm XK. Hiện nay mới có hai doanh nghiệp đăng ký XK sản phẩm thịt gà đã qua chế biến sang Nhật Bản là Công ty TNHH Koyu & Unitek đăng ký năm 2016 và Công ty TNHH CP Việt Nam đăng ký tháng 5/2017. Sản phẩm trứng gia cầm đã được XK sang một số thị trường như: Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản. Tuy nhiên, mới chỉ giới hạn ở các sản phẩm trứng gia cầm đã qua chế biến như trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp. Hiện nay cả nước mới có 5 cơ sở XK các sản phẩm trứng nêu trên.

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tồn tại trong chăn nuôi, giết mổ lợn XK là các tỉnh trọng điểm chăn nuôi lợn có nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen. Đồng thời chưa hình thành các vành đai an toàn dịch bệnh cũng như chuỗi sản xuất thịt lợn có kiểm soát theo hình thức khép kín. Hiện nay Việt Nam chưa có vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với lợn được Tổ chức Thú y Thế giới OIE công nhận.

Tương tự đối với gia cầm, đến nay Việt Nam còn một số loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm như cúm gia cầm, Newcatxon vẫn xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Kết quả giám sát cúm gia cầm cho thấy virus H5N6, H5N1 vẫn còn lưu hành trong đàn gia cầm nhỏ lẻ và môi trường ở một số địa phương.

Để khắc phục những điểm bất cập này, hiện nay Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để XK theo hướng tăng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo đảm ATTP, an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội. Về mục tiêu cụ thể, năm 2017 hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín XK đi thị trường Nhật Bản và từ năm 2018 tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Đối với thịt lợn, dự kiến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến chín xuất sang Đông Nam Á, châu Á, châu Âu…

Đối với thịt lợn sống, dự kiến đến năm 2020, có một số tập đoàn xây dựng thành công chuỗi sản xuất lợn sống (lợn sữa, lợn choai, lợn thịt) bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP và nếu được cơ quan có thẩm quyền một số nước láng giềng xem xét công nhận cho phép nhập khẩu lợn sống từ Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần