Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu bứt phá mạnh mẽ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, trong 2 tháng đầu tiên của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) Hà Nội đã tăng trưởng kỷ lục.

Trong đó nhiều mặt hàng chủ lực đã có sự đóng góp tích cực, điều đó cho thấy những giải pháp hỗ trợ DN XK hàng hóa của UBND TP Hà Nội đã đi vào cuộc sống.

Dồn dập tin vui

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng 2/2018 kim ngạch XK đạt 993 triệu USD, tăng 19,5% so cùng kỳ năm 2017. Như vậy, 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK của Hà Nội đạt 2,04 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ. Đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch XK là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 50%, nhóm hàng dệt may tăng 30%.
 

Thực tế cho thấy, ngay trong những ngày đầu năm 2018, nhiều DN Hà Nội đã đẩy mạnh XK. Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2018 Hapro đã chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng và XK 500 container hàng đầu tiên gồm nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ gốm sứ… tới các thị trường châu Á, châu Phi, Đông Nam Á, Mỹ, Hà Lan, Australia. Chia sẻ những thành công trong hoạt động XK 2 tháng đầu năm 2018, Giám đốc điều hành Công ty TNHH May mặc Hùng Nguyệt (quận Long Biên) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thông thường quý I là thời điểm kim ngạch XK hàng dệt may thấp điểm. Tuy nhiên, ngay trong 2 tháng đầu năm 2018, DN đã XK 45.000 áo sơmi và quần âu sang thị trường Malaysia. Hiện, công ty đã ký được hợp đồng XK hàng may mặc sang Malaysia và Thái Lan đến tận quý II/2018.

Nâng sức cạnh tranh

Mặc dù kim ngạch XK của Hà Nội đang bứt phá đáng kể ngay trong tháng đầu năm nhưng để kim ngạch XK năm 2018 tăng 7,5 – 8% so với thực hiện năm 2017 như chỉ tiêu đã được UBND TP Hà Nội đặt ra là điều không dễ dàng. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết: Ở mỗi lĩnh vực, ngành hàng hay thị trường XK đều tiềm ẩn khó khăn. Đơn cử như mặt hàng dệt may, theo dự báo năm 2018 mức độ cạnh tranh sẽ cực kỳ cao. Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia... cũng đang gia tăng áp lực về thị phần. Ngoài ra, XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khu vực DN FDI, trong đó nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo với giá trị gia tăng cao vẫn chủ yếu do các DN FDI chiếm lĩnh. Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cũng cho rằng: Các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ áp dụng những rào cản kỹ thuật và hàng hóa sản xuất tại nước ta buộc phải chấp nhận cuộc chơi này. Ðể chiến thắng, chúng ta cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất sản phẩm hữu cơ và đặc sản...

Nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động XK, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND. Trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chú trọng các lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng XK. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, XK; hoàn thành Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử. Cùng với đó, nâng cao sức cạnh tranh cho DN theo hướng tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho DN; tư vấn cho DN nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế…

Về khía cạnh quản lý Nhà nước, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, muốn tăng kim ngạch XK, bên cạnh sự hỗ trợ của TP, DN cần tham gia trực tiếp vào một số khâu trong quá trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, không nên dừng ở mức XK nguyên liệu thô. Đồng thời chủ động đổi mới mẫu mã hàng hóa phù hợp thị hiếu của từng thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cũng như thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác, tận dụng cơ hội XK từ các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Gia Phương: Liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại

Để hỗ trợ các DN mở rộng thị trường XK, quảng bá thương hiệu sản phẩm, năm 2018 HPA sẽ liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến nước ngoài thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô lớn. Trong đó đặc biệt chú trọng tới những thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời đón các đoàn DN quốc tế vào giao dịch thương mại tại Hà Nội, qua đó hỗ trợ các làng nghề, DN nông sản, dệt may tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra tiếp tục liên kết với các tập đoàn phân phối nước ngoài tại Việt Nam để đưa sản phẩm của DN Hà Nội thâm nhập vào chuỗi phân phối quốc tế.