Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc: Tiêu chuẩn ngày càng khắt khe

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Những quy chuẩn mới từ phía Trung Quốc bước đầu sẽ tạo ra những thách thức song cũng tạo động lực để DN nâng cao quy chuẩn chất lượng sản phẩm.

Những năm qua, Trung Quốc luôn là một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Số liệu thống kê Hải quan cho thấy, kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2018 đạt 106,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 41,26 tỷ USD, nhập khẩu 65,43 tỷ USD. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đứng thứ ba của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,4 tỷ USD.
Đầu tư kho ngoại quan gần các cửa khẩu với Trung Quốc sẽ đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu. Ảnh minh họa: KT

Có tâm lý cho rằng, Trung Quốc là thị trường tương đối “dễ tính” và không có nhiều quy định quá khắt khe đối với hàng hóa, nhất là hàng nông sản của Việt Nam. Điều này cũng là lý do khiến xuất khẩu hàng hóa chính ngạch của Việt Nam vào Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc, việc giao thương giữa hai quốc gia chủ yếu vẫn bằng đường tiểu ngạch.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó trưởng phòng Phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, dù Trung Quốc là thị trường tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam thực sự thiếu bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch.
“Quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém. Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch lại luôn đe doạ những rủi ro do không có ràng buộc pháp lý giữa người mua và người bán”, bà Thúy quan ngại.
Vậy nên gần đây, nhiều tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu do phía Trung Quốc đề ra đã có phần khắt khe hơn. Nếu muốn giữ chân tại thị trường này, nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam cần khẳng định chất lượng, hiểu và tuân thủ các quy định nhập khẩu của quốc gia này.
Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, từ tháng 5 này, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu là rơm bằng các xốp lưới ni lông; với các sản phẩm mít và chuối, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng catton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ NN&PTNT thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.
Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào nước này. Đó là từ ngày 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.
Ông Dương Tôn Bằng, Cục trưởng Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu TP Đông Hưng (Trung Quốc) cho biết, hàng hóa nước ngoài nhập vào thị trường Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu như nhãn mác, giám sát hàng thủy sản đông lạnh và khô, giám sát đối với hàng thủy sản cấp đông không qua chế biến, thực phẩm đóng gói, hoa quả… Do đó các DN Việt Nam nên lưu ý để xuất khẩu hàng hóa sang TP Đông Hưng nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Với những thông tin ở trên có thể thấy, việc xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc đã được siết chặt hơn với hàng loạt các yêu cầu, quy chuẩn cao hơn. Đây cũng là bước đệm để hình thành thị trường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch thuận lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngay lúc này, các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ cần phải coi trọng và đề cao thị trường Trung Quốc giống như bất cứ thị trường khó tính nào khác trên thế giới.
Đưa ra những thách thức, khó khăn mà các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần phải vượt qua khi đối diện với hàng loạt các quy chuẩn mới từ phía Trung Quốc, Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.,Ltd - Shi Xin Biao bày tỏ lo lắng khi công nghệ bảo quản, giữ tươi, điều kiện hạ tầng kho bãi của Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế...
“Trong vòng 10 năm tới, yêu cầu về chất lượng hoa quả, trái cây tại thị trường Trung Quốc sẽ được nâng lên cao hơn nhiều. Do đó, để đáp ứng các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra, Việt Nam cần phát triển công nghệ bảo quản tươi cho hoa quả cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu giữ. Bên cạnh đó, làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì để nhanh chóng được thông quan quy trình kiểm định kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc”, ông Shi Xin Biao khuyến cáo.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo thị trường xuất khẩu bền vững cho hàng nông sản Việt Nam, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, phân phối hàng hóa. Nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan tại các nước nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Đông cũng đề nghị các DN, các hợp tác xã trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản phải đáp ứng đúng quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo đủ yêu cầu về sản phẩm của phía bạn góp phẩn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản vào thị trường nhiều tiềm năng này.
“Để đảm bảo nguồn cung nông sản an toàn theo nhu cầu của thị trong và ngoài nước, các địa phương phải chỉ đạo, quản lý hoạt động sản xuất nông sản trên địa bàn theo đúng quy hoạch, giảm thiểu tình trạng sản xuất tự phát, gây ra hiện tượng dư cung một số nông sản như thời gian qua”, ông Đông nhấn mạnh.