Xuất khẩu có nhiều điểm nhấn

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu là lối ra của nền kinh tế, trong đó cơ cấu xuất khẩu là nội dung quan trọng. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2018 có một số điểm nhấn được nhận diện theo nhóm hàng, khu vực và nhóm thị trường.

Hoạt động bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Hùng Thập
Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng cao
9 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản có 4 điểm nổi bật. Đó là có quy mô lớn nhất trong 3 nhóm hàng (89,6 tỷ USD, chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện có quy mô lớn nhất (36,1 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng số). Có tốc độ tăng cao hơn, nên chiếm tỷ trọng cao qua các thời kỳ.
Trong 9 tháng năm 2018, kim ngạch nhóm ngành này đã tăng 18,7%, cao hơn tốc độ tăng chung và cao hơn 2 nhóm hàng còn lại. Do quy mô và tốc độ tăng cao nên nhóm hàng này đã góp phần làm cho quy mô và tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt quy mô lớn (178,9 tỷ USD, lớn hơn mức cả năm 2016) và tăng với tốc độ cao (15,4%).
Đây là tín hiệu khả quan để tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2018 có thể đạt 247 tỷ USD, vượt xa so với mức kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (231 - 235 tỷ USD) và góp phần làm cho cán cân thương mại hàng hóa không những không nhập siêu lớn (6,9 - 7,1 tỷ USD), mà còn xuất siêu.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 66,6 tỷ USD, tăng 14,4%, thấp hơn tốc độ tăng chung. Do vậy, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đã giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ, thấp xa so với đỉnh cao nhất vào năm 2010 (37,2% so với 46,1%). Trong 9 tháng, nhiều mặt hàng trong nhóm hàng này tăng thấp.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản 9 tháng đạt 22,7 tỷ USD, tăng 6,6%, chiếm 12,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Trong đó có một số mặt hàng kim ngạch tăng khá cao như gạo tăng 22,1%, rau quả tăng 15,2%... Thủy sản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9% và chiếm 3,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm. Tuy còn thấp hơn tốc độ tăng chung, nhưng đối với nhóm hàng nông, lâm và thủy sản mà việc sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên tai, thì việc tăng với tốc độ như trên vẫn thuộc loại cao.
Tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng tỷ trọng những mặt hàng thô hoặc mới sơ chế vẫn còn chiếm trên dưới 20%; mặt hàng chế biến hoặc đã tinh chế chiếm khá, nhưng tính gia công, lắp ráp còn lớn, thực thu không cao, gây ra nhập khẩu lớn...
Cả nước xuất siêu 5,39 tỷ USD 
Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước 9 tháng đã cao hơn cùng kỳ (28,5% so với 28%). Điều đó chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước bước đầu đã có sự nỗ lực tranh thủ các ưu đãi về thuế suất, về thị trường trong quá trình mở cửa hội nhập theo các FTA được ký kết, không thể lùi được nữa so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và hàng ngoại nhập.
Tuy nhiên, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn rất thấp so với khu vực có vốn ĐTNN (28,5% so với 71,5%). Trong khi đó, tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước của khu vực kinh tế trong nước trong 9 tháng năm nay lên tới 40% và cao hơn tỷ trọng tương ứng về kim ngạch xuất khẩu.
Do vậy khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn cả về quy mô tuyệt đối (18,3 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (35,8%). Khu vực có vốn ĐTNN do có tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu (14,6% so với 14,5%) và có quy mô xuất khẩu lớn hơn nhiều so với nhập khẩu (127,8 tỷ USD so với 104,2 tỷ USD), nên khu vực này đã xuất siêu lớn về quy mô tuyệt đối (23,8 tỷ USD), về tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu (18,6%). Như vậy, nhờ khu vực có vốn ĐTNN xuất siêu mà cả nước đã xuất siêu 5,39 tỷ USD.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu trong 9 tháng năm nay có một số điểm đáng lưu ý. Xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường chủ yếu như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên trong các thị trường này, tốc độ tăng xuất khẩu sang Hàn Quốc (26,5%), Trung Quốc (26,6%), ASEAN (16%) cao hơn tốc độ tăng chung.
Các thị trường còn lại có tốc độ tăng thấp hơn (11,9% so với 23,1%), thể hiện đã bước đầu có sự chuyển dịch. Sự chuyển dịch này càng có ý nghĩa khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch xuất hiện trở lại; cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuất hiện có dấu hiệu lan rộng ra nhiều nền kinh tế khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần