Xuất khẩu đầu năm: Nhiều tín hiệu lạc quan

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 2 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt trên 48,5 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng, tạo điểm tựa để xuất khẩu có thêm đà bứt tốc trong các tháng tiếp theo.

9 nhóm hàng đạt tỷ USD
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 9 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép và thủy sản.

Hầu hết các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, đặc biệt là hàng công nghiệp như: Điện thoại và linh kiện đạt 9,3 tỷ USD (tăng 22,8% so với cùng kỳ); điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD (tăng 27,3%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD (tăng 72,6%)…
 Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh Vinsmart, tập đoàn VinGroup (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Thanh Hải 
Trong khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ yếu do các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đem lại thì hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng có nhiều điểm sáng.
Đơn cử, trong tháng 1/2021, nhiều lô hàng xuất khẩu nông sản đã được xuất đi các nước như: 160 tấn tôm của Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú xuất đi Mỹ, EU, Nhật Bản; lô gạo 1.600 tấn của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu đi Singapore và Malaysia. Trong dịp Tết Tân Sửu vừa qua, Tập đoàn Nam Việt đã xuất khẩu hơn 200 tấn thủy sản cá tra đi châu Âu, Thái Lan, châu Á, Nam Mỹ, Trung Đông....

Về thị trường, 2 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13,78 tỷ USD (tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,2 tỷ USD (tăng 50,5%); EU đạt 6,1 tỷ USD (tăng 18,4%), ASEAN đạt 4,1 tỷ USD (tăng 3,4%); Hàn Quốc đạt 3,35 tỷ USD, tăng (13,4%); Nhật Bản đạt 3,15 tỷ USD (tăng 1,1%). Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu gần 1,3 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD. Những con số tăng trưởng này cho thấy, xuất khẩu chính là điểm cộng để duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng 4 - 5%

Nhận định về những khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay, từ cuối năm 2020 đến nay, khó khăn nằm ở khâu kết nối cung - cầu, logistics. Những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều. Còn ở trong nước, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cũng tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa.

Năm 2021, Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4 -5%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, đây là chỉ tiêu hợp lý để phấn đấu. Nhận định về cơ hội cho xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải cho rằng, năm 2020, Việt Nam có 3 FTA đã đi vào thực hiện và được ký kết, đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đây là những hiệp định có quy mô lớn, được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước phát triển mạnh mẽ.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), xuất khẩu vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt rào cản phi thuế quan. Thêm vào đó là sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào; các chi phí vận chuyển, lưu kho tăng. Do đó, mỗi DN, hiệp hội ngành hàng cần nỗ lực trong phát triển thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử.
“Để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam cần nghiên cứu các giải pháp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để có giải pháp ứng phó kịp thời trước khả năng hàng Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam trong cuộc chiến thương mại với Mỹ” - TS Trần Thị Hồng Minh lưu ý.

"Dự báo tác động của dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài. Do vậy, các DN cần tiếp tục thực hiện các kênh tiếp thị trên môi trường số, tìm hiểu và vận dụng tốt hơn lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời quản trị và nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu DN." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải