Xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 10,64 tỷ USD

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ.

Đó là số liệu được đưa ra tại hội thảo trực tuyến thông tin về tình hình xuất khẩu dệt may trong bối cảnh dịch Covid-19 do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam ((VITAS) vừa tổ chức.
Công nhân May 10 may khẩu trang phòng dịch.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang mà Việt Nam đã xuất khẩu đạt 415 triệu chiếc, trị giá 63 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Singapore... Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho nhiều ngành kinh tế, đây được coi là cơ hội hiếm hoi để doanh nghiệp Việt Nam cầm cự, chờ đợi cơ hội phục hồi.
Phân tích sâu hơn về tình hình của ngành dệt may Việt Nam trong 4 tháng năm 2020, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS Trương Văn Cẩm cho biết, dịch Covid-19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong quý I, các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu thì từ giữa tháng 3, các doanh nghiệp lại rơi vào tình huống các đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng khi nhiều đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu cắt, hủy đơn hàng vì ảnh hưởng của dịch.
Đối phó với dịch, May Nhà Bè cũng chuyển sang may khẩu trang phòng dịch.
"Nhiều DN đã sản xuất xong rồi cũng không giao được hàng. Có những DN khi đã chuyển hàng đến cảng biển rồi nhưng không xuất đi được, làm tăng chi phí lưu kho bãi" - ông Cẩm chia sẻ.
Với những tác động đó, theo số liệu thống kê đến tháng 4/2020 của VITAS, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong tháng 4 giảm 20% so với tháng 3. Mặc dù tháng 3 cũng có mức sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ.
"Chưa bao giờ mà tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu của dệt may Việt Nam đều có tăng trưởng âm như vậy" - ông Cẩm đánh giá. Đơn cử như xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,98% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ sợi giảm 11,54%; xuất khẩu vải không dệt giảm 22%; xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 6%. Đối với nhập khẩu, bông giảm 7,98%; xơ sợi các loại giảm 2,45%; vải giảm 10,99%; nguyên phụ liệu giảm 5,82% so với cùng kỳ 2019.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp dệt may đã phải tìm hướng đi mới, nhiều DN chuyển sang sản xuất các sản phẩm phục phụ y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu khẩu trang của doanh nghiệp dệt may gặp không ít khó khăn, nhất là việc xuất khẩu sang thị trường có yêu cầu cao như EU, Mỹ.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần