Xuất khẩu dồn dập tin vui

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2017, trong 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) Hà Nội đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Điều đó cho thấy những giải pháp hỗ trợ DN XK hàng hóa của UBND TP Hà Nội đã đi vào cuộc sống.

Bứt phá mạnh mẽ

Theo Sở Công Thương Hà Nội, kim ngạch XK tháng 5 của Hà Nội đạt 1,041 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, trong 5 tháng qua, kim ngạch XK của Hà Nội đạt 5,129 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch XK là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 14,6%; nhóm hàng dệt may tăng 14,2%; hàng nông sản tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này cho thấy DN đã chủ động, tận dụng sự phục hồi của những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc... Đồng thời tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và USD ổn định, trong khi tỷ giá giữa VND và các ngoại tệ khác tăng khá mạnh có tác động kích thích XK. Quan trọng hơn cả TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh XK thông qua Chương trình kết nối ngân hàng – DN và thực hiện các chính sách thuế, đất đai, khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Gia Phương cho biết: Nhằm hỗ trợ các DN mở rộng thị trường XK, quảng bá thương hiệu sản phẩm, HPA đã liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến nước ngoài thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô lớn; Tổ chức Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tại Nhật Bản, qua đó hỗ trợ các làng nghề, DN nông sản, dệt may XK hàng hóa thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế.

Không dừng ở xuất khẩu nguyên liệu thô

Mặc dù kim ngạch XK của Hà Nội đang bứt phá đáng kể ngay trong tháng đầu năm, song để hoàn thành mục tiêu XK cả năm 12,7 tỷ USD (tăng 7,5 - 8% so với thực hiện năm 2017) là không dễ dàng.

Thực tế cho thấy, nếu các DN tận dụng được những yếu tố thuận lợi của các FTA mà Việt Nam đã ký kết với một số thị trường như: Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu... đã thì sẽ mở ra rất nhiều cơ hội đẩy mạnh XK. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, muốn tăng kim ngạch XK, DN cần tham gia trực tiếp vào một số khâu trong quá trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, không nên chỉ đứng ra thu mua rồi sơ chế, đóng gói để XK. DN phải chủ động đổi mới mẫu mã hàng hóa phù hợp thị hiếu của từng thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu. Đồng thời áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất sản phẩm hữu cơ và đặc sản... Đồng tình với quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của TP, DN cần tham gia trực tiếp vào một số khâu trong quá trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, không nên dừng ở mức XK nguyên liệu thô.

Nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động XK, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND, trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chú trọng các lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng XK. Cùng với đó, nâng cao sức cạnh tranh cho DN theo hướng tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho DN; tư vấn cho DN nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm…