Xuất khẩu Hà Nội: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu (XK) TP Hà Nội quý I/2019 có mức tăng trưởng mạnh và dẫn đầu cả nước. Tuy vậy, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch XK cả năm 2019 tăng 7,5 - 8% (so với năm 2018) đòi hỏi ngành công thương và các DN Hà Nội phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Hapro và đối tác quốc tế giao dịch xuất khẩu hàng hóa. Ảnh: Lê Nam
Xuất khẩu quý I đạt 3,303 tỷ USD

Theo số liệu của Cục Thống kê, trong tháng 3 kim ngạch XK TP Hà Nội đạt 1,169 tỷ USD, tăng 33,8% so với tháng trước và tăng 4,3% so cùng kỳ, qua đó đưa kim ngạch XK trong quý I đạt 3,303 tỷ USD, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực (nhóm máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, điện thoại...) tăng mạnh so với cùng kỳ cho thấy uy tín các DN Hà Nội đang tiếp tục được nâng cao do chất lượng sản phẩm tốt được nhiều thị trường đón nhận. Đáng lưu ý, thành phần kinh tế trong nước đã trở thành động lực tăng trưởng chính khi kim ngạch XK chiếm tỷ trọng 52% và mức tăng trưởng 15,8% so với cùng kỳ.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ DN của UBND TP Hà Nội, kim ngạch XK TP Hà Nội đã tăng trưởng 11,3% trong khi XK cả nước chỉ đạt mức tăng trưởng 4,7%, ngay cả TP Hồ Chí Minh mức độ tăng trưởng cũng chỉ đạt 6,4% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy chính sách hỗ trợ DN của TP Hà Nội đã thực sự có tác động lớn đến kim ngạch XK.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải

Nguyên nhân kim ngạch XK TP Hà Nội tăng trưởng ấn tượng trong quý I là do các DN đã chủ động, tận dụng sự phục hồi của những thị trường XK lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU để XK hàng hóa... Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi tạo thuận lợi để các DN vươn lên, thúc đẩy XK.
Cụ thể, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh XK thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - DN; thực hiện các chính sách thuế, đất đai; khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Ngoài ra, TP Hà Nội còn nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư qua đó hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu sản phẩm XK. Trong quý I/2019 Hà Nội đã tham gia hội chợ quốc tế tại CHLB Đức, Hội nghị Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch Việt Nam - Nhật Bản… đón các DN nhập khẩu vào giao dịch.
Khó hoàn thành mục tiêu năm 2019?
Mặc dù kim ngạch XK của Hà Nội có sự bứt phá đáng kể ngay trong quý I, song với những diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị thế giới dự báo XK năm 2019 sẽ gặp nhiều khó khăn. Muốn hoàn thành mục tiêu XK cả năm 2019 đạt 15,35 tỷ USD là điều không dễ dàng.
Minh chứng rõ nhất về khó khăn tác động đến XK là việc thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu đang có biến động mạnh, cạnh tranh thương mại giữa Mỹ -Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Áp lực ngày càng tăng từ việc thực hiện các FTA… Khó khăn này được thể hiện qua việc một số ngành hàng nông sản như gạo kim ngạch XK giảm 16,8%, cà phê giảm 7,1%.
Trong khi đó, các DN đang thiếu lao động có tay nghề cao trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng dẫn đến năng suất thấp so với các nước trong khu vực. Mặt khác, khả năng đáp ứng của DN trước các quy định, tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế trong khi tiêu chuẩn tại các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… ngày càng nghiêm ngặt.
Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XK, UBNDTP Hà Nội và ngành công thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh XK, mở rộng thị trường. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh XK năm 2019. Trong đó, hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế.
Đồng thời, hỗ trợ DN tiếp cận thiết kế mẫu mã sản phẩm, công nghệ mới, quảng bá phát triển thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ… qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, logistics, hệ thống dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh XK.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh các chính sách hỗ trợ XK từ cơ quan quản lý, bản thân các DN cần chủ động tạo dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, không nên dừng ở mức XK nguyên liệu thô. Đồng thời tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0 ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh tiến tới giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh; Chủ động thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác, tận dụng cơ hội XK từ các FTA Việt Nam đã ký kết...
TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND, trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, nâng cao sức cạnh tranh cho DN theo hướng tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho DN sản xuất hàng XK; tư vấn cho DN nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu; Nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần