Xuất khẩu Hà Nội vượt thách thức

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù kim ngạch xuất khẩu (XK) của Hà Nội trong 9 tháng qua đạt 8,593 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016, thế nhưng nếu so với mục tiêu phấn đấu cả năm 2017 là 11,1 tỷ USD đòi hỏi TP và các DN phải nỗ lực hơn nữa trong các tháng cuối năm.

9 tháng, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,7%

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, kim ngạch XK tháng 9/2017 đạt 969 triệu USD, giảm 1,3% so với tháng 8. Mặc dù XK tháng 9 giảm nhẹ, tuy nhiên lũy kế 9 tháng đạt 8,593 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 9 tháng qua, một số nhóm hàng XK tăng khá so với cùng kỳ là: Linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 19,3%; Máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 24,1%; Hàng nông sản tăng 8,9%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 32,1%; Hàng điện tử tăng 41,1%; Giầy dép và các sản phẩm từ da tăng 7,7%; Hàng thủ công mỹ nghệ tăng 13,4%.

Khách quốc tế tham quan một gian hàng tại Hội chợ Quà tặng Thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2016. Ảnh: Hoài Nam

Kim ngạch XK Hà Nội trong thời gian qua tăng trưởng đáng kể cho thấy DN đã tận dụng sự phục hồi những nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc. Đồng thời tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Việt Nam và USD ổn định, trong khi tỷ giá giữa VND và các ngoại tệ khác tăng khá mạnh có tác động kích thích XK. Quan trọng hơn cả là Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh XK thông qua Chương trình kết nối ngân hàng – DN và thực hiện các chính sách thuế, đất đai, khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND gồm 10 giải pháp quan trọng nhằm giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng thị trường XK.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Gia Phương cho biết: Nhằm hỗ trợ các DN mở rộng thị trường XK, quảng bá thương hiệu sản phẩm, HPA đã liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến nước ngoài thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô lớn. Trong đó đặc biệt chú trọng tới những thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời đón các đoàn DN quốc tế vào giao dịch thương mại tại Hà Nội, qua đó hỗ trợ các làng nghề, DN nông sản, dệt may có cơ hội tìm kiếm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng

Mặc dù đã có sự tăng trưởng đáng kể nhưng để kim ngạch XK năm 2017 đạt mức tăng trưởng 11,1% như chỉ tiêu đã được UBND TP đặt ra là điều không dễ dàng khi các đối tác yêu cầu cao về kỹ thuật, DN không ký kết được hợp đồng dài hạn. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu riêng để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, chất lượng chưa đồng đều... Mặt hàng gạo mặc dù chiếm tỷ trọng gần 2,5% trong cơ cấu XK của Hà Nội nhưng hiện gạo Việt Nam tiếp tục bị Campuchia và Thái Lan cạnh tranh về giá cả, khiến kim ngạch XK giảm sút.

Thực tế cho thấy, nếu như các DN tận dụng được những yếu tố thuận lợi mà các FTA giữa Việt Nam và một số thị trường như Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu... đã được ký kết sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng kim ngạch XK. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, muốn tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại để tăng kim ngạch XK đòi hỏi chính bản thân DN không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh thị trường mà phải chiếm lĩnh được các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế trên bản đồ thế giới.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Trong thời gian tới, Sở và UBND TP Hà Nội tiếp tục đồng hành hỗ trợ DN, nguồn vốn vay, tiếp cận thị trường. Cụ thể, tăng cường hoạt động giao thương xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đức. Đồng thời đón các đoàn DN nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch tại Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2017…, qua đó hỗ trợ DN đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của TP, các DN cần chủ động nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, củng cố nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Muốn tăng kim ngạch XK, DN cần tham gia trực tiếp vào một số khâu trong quá trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, không nên chỉ đứng ra thu mua rồi sơ chế, đóng gói để XK. DN phải chủ động đổi mới mẫu mã hàng hóa phù hợp thị hiếu của từng thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu. DN nên thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác DN với nhau, giữa DN Việt Nam với cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

PGS. TS Phạm Tất Thắng

Cố vấn cấp cao Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương)