Xuất khẩu hàng hóa qua Amazon: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ Công Thương bắt tay với Amazon Global Selling hỗ trợ DN Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử (TMĐT) đang mở ra cơ hội vàng cho DN Việt phát triển kinh doanh toàn cầu và xây dựng thương hiệu quốc tế.

Hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua Amazon, ngày 27/2, tại Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc
Doanh nghiệp hưởng lợi

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, thông qua chương trình hỗ trợ, các sản phẩm của DN nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với hơn 300 triệu tài khoản người mua của Amazon. Từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt là đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giầy, sản phẩm tiêu dùng... “Bán hàng trên Amazon là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình gắn liền với tên tuổi Amazon, từ đó thúc đẩy các kênh bán hàng khác tới thị trường thế giới” – ông Phú nhấn mạnh.
Cùng với đào tạo kỹ năng bán hàng cho các DN, chúng tôi còn cho ra mắt trang hướng dẫn bằng tiếng Việt và fanpage bằng tiếng Việt trên Facebook, giúp các DN và người bán lẻ vượt rào cản ngôn ngữ và dễ dàng tạo tài khoản trên Amazon.

Giám đốc Amazon Global Selling tại Đông Nam Á và châu Úc Gijae Seong

Theo đó, từ ngày 1/4/2019, Cục XTTM và Amazon Global Selling sẽ thí điểm lựa chọn 100 DN tiềm năng trong những ngành hàng mục tiêu có sản phẩm đáp ứng với các tiêu chí của Amazon để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trực tuyến của Amazon. Các DN được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được đội ngũ chuyên gia, đối tác của Cục XTTM và Amazon Global Selling hướng dẫn về thủ tục, hỗ trợ trong các khâu đăng ký, xây dựng gian hàng điện tử trên Amazon; hoàn tất thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ nghiên cứu thị trường Mỹ. Ngoài ra, DN còn được hỗ trợ phát triển sản phẩm và thương hiệu thông qua hệ thống TMĐT của Amazon.

Trên thực tế, thông qua Amazon, rất nhiều sản phẩm Made in Viet Nam như: Phin pha cà phê, cao Sao Vàng, cà phê Trung Nguyên, nón lá, chổi đót… đã được người tiêu dùng thế giới biết đến và chào bán với giá cao ngất ngưởng. Đơn cử như sản phẩm chổi đót Việt Nam trên trang Amazon của Mỹ có giá 11,99 - 14,99 USD, tương đương gần 200.000 đồng/cây; trên trang Amazon của Nhật bán hơn 12.000 Yên, tương đương gần 2,7 triệu đồng/cây, trong khi tại thị trường Việt Nam loại chổi này có giá khoảng 30.000 đồng.

Gỡ rào cản, tận dụng lợi thế

Chia sẻ kinh nghiệm hơn 7 năm bán hàng trên Amazon, bà Nguyễn Xuân Chiêu Hân – đại diện Công ty Saigon Cube cho hay: “Chỉ sau 1 năm tham gia quảng cáo trên Amazon, doanh thu của Saigon Cube đã tăng gấp đôi. Hiện, doanh số bán hàng trên Amazon chiếm trên trên 35% tổng doanh thu của công ty và chiếm khoảng 70% doanh số bán hàng trực tuyến. Đầu năm nay, công ty tiếp tục mở rộng bán hàng trên Amazon Nhật Bản và châu Âu”.
Việc Cục XTTM hợp tác với Tập đoàn Amazon Global Selling để hỗ trợ DN trong việc đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, phát triển thương hiệu thông qua nền tảng TMĐT, mang lại sự đổi mới trong công tác XTTM. Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp sẽ luôn đồng hành cùng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm, muốn đầu tư vào các ngành công nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Tuy vậy, theo bà Hân, điểm khó khăn nhất đối với các DN lần đầu tiên bán hàng trên Amazon là tìm hiểu các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, dịch vụ vận chuyển, thanh toán, cách đưa sản phẩm lên hệ thống sao cho hiệu quả.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có gần 700.000 DN, trong đó DNNVV chiếm đến 98%. Mặc dù các DNNVV ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế của Việt Nam, nhưng nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn trong việc vươn ra thị trường quốc tế hay việc thiết lập sự hiện diện trên các kênh bán hàng trực tuyến. Để bán hàng thành công trên Amazon, theo bà Trần Kim Oanh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Cục XTTM), các DN Việt cần tuân thủ nghiêm ngặt nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Đáng nói, rào cản về ngôn ngữ khiến không ít DN Việt khó tiếp cận với các sàn TMĐT, bao gồm cả Amazon. Do vậy, các DN cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng trên Amazon.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT tại Việt Nam sẽ có doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, với việc tham gia của ông trùm bán hàng trực tuyến số một thế giới, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ ngày càng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt. Bởi, Amazon sẽ đối đầu trực tiếp với nhiều đối thủ đang hoạt động tại Việt Nam như Lazada, Adayroi, Tiki, Shopee…