Xuất khẩu hàng Việt vào thị trường EU: Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) sau một tháng có hiệu lực đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho các DN xuất khẩu (XK) hàng Việt vào thị trường EU. Tuy nhiên, để nâng cao kim ngạch đòi hỏi DN phải thay đổi tư duy kinh tế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước đang XK các mặt hàng tương tự vào EU.

Nhiều ngành hàng bắt đầu hưởng lợi từ EVFTA
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, sau hơn một tháng thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều mặt hàng XK Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử… đã có những tăng trưởng tích cực. Cụ thể, từ ngày 1 - 31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 cho các mặt hàng là giày dép, thủy sản, cà phê, hàng dệt may, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... với kim ngạch 277 triệu USD XK tới 28 nước EU.
Cụ thể, XK thủy sản có lượng đơn hàng tăng 10% so với tháng 7/2020, mặt hàng gạo cũng tăng trưởng mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Sau một tháng triển khai EVFTA, DN XK gạo hưởng lợi khá lớn bởi thuế suất mặt hàng này 0% nên giá XK đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Nói về tương lai tăng kim ngạch XK nông sản Việt vào thị trường EU thời gian tới, các chuyên gia kinh tế nhận định: Ngoài mặt hàng thủy sản, gạo thì rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đang rộng cửa vào EU, bởi đây là thị trường XK lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết EVFTA đang giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh với các nước đang XK mặt hàng rau quả tươi vào EU.
Không “an phận” với những hợp đồng gia công
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song theo các chuyên gia, để tận dụng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, DN Việt Nam cần thay đổi tư duy sản xuất, XK hàng hóa. Phân tích về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh nêu rõ: Trong tháng 8/2020, kim ngạch XK nông, thủy sản sang thị trường EU tăng trưởng nhưng chủ yếu là xuất thô, chưa XK sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
“Với mặt hàng gạo đa số nhà nhập khẩu châu Âu chỉ đặt hàng DN Việt Nam xay xát, khi sang đến các thị trường này sẽ được đóng gói mang thương hiệu của DN nhập khẩu. Điều đó cho thấy DN Việt Nam nên thay đổi tư duy từ sản xuất gia công sang XK sản phẩm mang thương hiệu của chính DN”- ông Khánh chia sẻ.
Tại Hội nghị hợp tác thương mại và công nghiệp với Liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nêu rõ: DN không nên xem EVFTA là cứu cánh mà chỉ nên xem những ưu đãi từ hiệp định là yếu tố hỗ trợ. Tiên quyết vẫn phải là nội lực DN: “Hơn lúc nào hết, các DN cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà EVFTA đem lại từ đó trụ vững và phát triển trên thị trường” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng định hướng.
Theo các chuyên gia kinh tế không chỉ DN cần thay đổi tư duy kinh doanh mà cả cơ quan quản lý cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ T.Ư đến địa phương, lấy DN làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy những chính sách được ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống và giúp DN hoạt động sản xuất, kinh doanh được tốt hơn.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần có quy chuẩn về chất lượng và thương hiệu theo đúng chuẩn quốc tế, chỉ có như vậy hàng Việt mới có thể tiến sâu vào thị trường EU, mở rộng thị phần và XK bền vững.

"Thời gian qua, mặt hàng gạo Việt Nam vẫn giữ được mức sản xuất, XK tăng trưởng tốt. Về mặt giá cả, loại gạo 2 - 5% tấm của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể so với gạo cùng loại, thậm chí vượt qua gạo Thái Lan. Tuy nhiên, về dài lâu, Việt Nam cần giảm bớt XK các loại gạo “vô danh”, thay vào đó chúng ta cần làm ra các loại gạo có thương hiệu rõ ràng, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khác nhau. Như thế, gạo Việt mới có thể tận dụng được ưu thế của các FTA, EVFTA đem lại." - PGS Phạm Tất Thắng -Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương)