Xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc: Nhận diện đúng để hành động

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu không nhận diện đúng thị trường Trung Quốc và thay đổi cách tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ngành hàng thì nông sản nước ta vẫn lâm vào cảnh ế thừa, giảm giá. Và mãi chỉ là những chuyến xe “cút kít” chở hàng, sẽ bị những “chuyến tàu nhanh” bỏ rơi trên đường xuất khẩu…

Nông sản - đường đi và biển báo
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản bao gồm rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su… của cả nước đạt 12,54 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam với 4,25 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình trong sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là hàng rau, củ quả chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm tới 13,5% so với cùng kỳ năm 2018.
 Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: Hoài Nam
Đầu tháng 11/2019, đường lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bị ùn tắc, bởi hơn 5.000 xe tải chở hàng hóa nông sản của Việt Nam chờ bán sang Trung Quốc. Vì sao lại tái diễn cảnh ứ dồn như vậy? Có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân cơ bản là Trung Quốc đã “dựng biển báo” bằng việc siết chặt các quy trình, nguyên tắc, thủ tục và chất lượng hàng nông sản nhập khẩu để đáp ứng yêu cầu “Cải cách kết cấu trọng cung làm phương hướng chủ công trong tiêu dùng”.
Do vậy, Trung Quốc tăng nhập khẩu chính ngạch, siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rau, quả nhập khẩu và yêu cầu các hàng hóa nông sản của Việt Nam phải có mã vùng trồng, có chứng chỉ VietGAP, mã số cơ sở đóng gói bảo đảm vệ sinh an toàn, sạch khuẩn, bệnh trên rau, vỏ củ, trái cây…
Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất tại các vùng nguyên liệu hàng hóa nông sản ở nước ta còn chậm, liên kết theo chuỗi gắn với kiểm định chất lượng và thói quen trong sản xuất của người nông dân, các HTX nông nghiệp chưa thích ứng kịp thời.
Giải pháp nào bền vững?
Trở lại vấn đề xuất khẩu nông sản, phải chăng, Trung Quốc chỉ dựng lên những “biển báo” với con đường nông sản Việt Nam?
Năm 2017, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc đề ra 7 mục tiêu; trong đó có 3 mục tiêu liên quan đến xuất, nhập khẩu là: Xây dựng toàn diện xã hội khá giả; cải cách kết cấu trọng cung; chấn hưng nông thôn, nông nghiệp, lấy nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp làm phương hướng chủ công”. Do vậy, việc siết chặt hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đáp ứng sự thay đổi của người tiêu dùng nội địa.
Những “biển báo” được dựng lên không chỉ đối với nông sản Việt Nam mà gồm tất cả khách hàng của Trung Quốc. Nhận diện rõ vấn đề này, người sản xuất, nhà DN, xuất khẩu… cần thay đổi tư duy, tìm ra giải pháp tổ chức sản xuất và hoạt động thương mại; biến những chuyến xe “cút kít” thành những “chuyến tàu nhanh” trên đường xuất khẩu chính ngạch và bền vững. Để đạt được đích ấy, cần đồng bộ về 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, về tư tưởng và nhận thức, phải nhận diện đúng và đầy đủ về thị trường Trung Quốc đang có sự thay đổi mạnh mẽ về thói quen tiêu dùng, trước hết là gần 50% số hộ dân tiến sát mức khá giả ở khu vực TP, đô thị và giới công chức, viên chức… dùng nông sản an toàn, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, phải thay đổi tư duy và nhận thức từ xuất khẩu nông sản tiểu ngạch, coi thị trường Trung Quốc là “giá rẻ, dễ tính” sang tư duy sản xuất ra nông sản thương phẩm có chất lượng cao, có trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn hợp đồng, được giao thương qua đường xuất khẩu chính ngạch, vào các siêu thị và trung tâm thương mại của Trung Quốc. Chỉ khi nào, hàng hóa nông sản của Việt Nam đứng vào chuỗi cung ứng đó, thì xuất khẩu chính ngạch mới thành công.
Thứ hai, về cơ chế và chính sách: Tiếp tục khơi thông bằng “liên kết ngang” của Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, ngành Hải quan… trong các đàm phán song phương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, phương thức kiểm dịch, mức thuế, cơ chế thông quan và thanh khoản… đối với từng mặt hàng nông sản. Các thông tin thị trường phải được truyền tải tới DN, người sản xuất, các Hiệp hội ngành hàng, địa phương trong cả nước.
Trong đó, khu vực ưu tiên trước là 42 tỉnh, thành có 1.309 mã vùng cây trồng và 32 tỉnh, thành có 1.435 mã số cơ sở đóng gói cho 9 loại nông sản tươi sống đã được Trung Quốc chấp thuận. Trong nhóm giải pháp này, Chính phủ và Quốc hội cần ráo riết hơn nữa trong việc bổ sung, sửa đổi, ban hành chính sách tập trung, tích tụ đất đai, nhằm tạo nên vùng sản xuất chuyên canh, liền canh… đảm bảo cho việc cấp mã vùng trồng trọt được thuận tiện.
Thứ ba, về tổ chức sản xuất: Đây là giải pháp quan trọng nhất, có tính quyết định quy mô, chất lượng nông sản xuất khẩu chính ngạch và bền vững sang thị trường Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu trước mắt và lâu bền, cần bố trí thời vụ lệch thu hoạch đối với cây trồng cùng loại của Trung Quốc mà Việt Nam có trong danh mục xuất khẩu như dưa hấu, thanh long, chuối, vải, mít, nhãn, xoài, chôm chôm… để bán được nhiều hơn, có giá cao hơn. Qua đó, từng bước đưa quả bưởi, vú sữa, sầu riêng… vốn là thế mạnh của Việt Nam để bán vào thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tập trung đầu tư công nghệ bảo quản và chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu xuất khẩu, nhằm kéo dài thời gian trữ hàng, tiêu thụ sản phẩm, nhất là vào thời điểm của tháng, ngày lạnh giá ở khu vực phía Bắc Trung Quốc giáp Nga, gồm 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, với 150 triệu dân, có sức mua lớn và dài hạn trong năm.
Một giải pháp nữa là tổ chức chặt chẽ, có hiệu quả liên kết theo chuỗi giá trị nông sản, ngành hàng nông sản xuất khẩu cả trong và ngoài danh mục xuất khẩu; trong đó, liên kết ngang nông dân với nông dân, HTX với HTX, DN với DN, nhằm thực hiện đúng, đủ quy trình sản xuất, kiểm soát vật tư đầu vào của sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn.
Ngoài ra, nâng cao năng lực, hiệu quả đào tạo, huấn luyện nông dân, xây dựng tổ hợp tác, HTX vững mạnh, đủ sức tập hợp và dẫn dắt nông dân thực hiện chuỗi liên kết nông sản, ngành hàng để đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi trong các hợp đồng.
Thứ tư, tập trung xây dựng DN đầu tàu làm trung tâm, đầu mối các hoạt động liên kết vùng miền về sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản. Đồng thời là “điểm tựa” và niềm tin dẫn dắt các DN vừa và nhỏ, các địa phương, tổ chức kinh tế của nông dân xây dựng thương hiệu nông sản 3 cấp: Tập thể, DN và quốc gia.
Đây là “vũ khí” để tìm kiếm, mở rộng và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc nói riêng, thị trường toàn cầu nói chung trong quá trình Việt Nam tiến sâu vào hội nhập. Bài học thành công của Tập đoàn TH Trumilk được xuất khẩu mặt hàng sữa tươi dài hạn vào thị trường Trung Quốc là một minh chứng thực tiễn và sống động.
Vĩ thanh
Sản xuất nông nghiệp gắn với kinh doanh nông nghiệp là một phép tính làm giàu, trong quá trình đó, đã và đang hình thành sân chơi mới giữa DN với HTX giỏi, chủ trang trại, gia trại, nông trại và hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong liên kết theo chuỗi giá trị nông sản, ngành hàng. Đó là cơ sở, điều kiện cho con đường nông sản xuất khẩu chính ngạch và bền vững, tự tin tiến vào hội nhập kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, những hộ nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng luôn gặp thiên tai, dịch họa… rất dễ đứng ngoài lề của sự phát triển hoặc chỉ nhận được “những đồng tiền lẻ” trong chuỗi giá trị xuất khẩu mang về.
“Không để một ai tụt lại phía sau” – Thông điệp ấy đang cần sự thay đổi về cả tư duy và hành động, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc cho nông dân giàu, nông nghiệp, Tổ quốc hưng thịnh.

"Việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là xu thế tất yếu của việc phát triển một nền kinh tế. Chẳng qua chúng ta không có sự chủ động nghiên cứu từ trước, mà đến khi họ áp dụng vào rồi mới hốt hoảng. Chúng ta phải nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại thị trường định hướng tới để có những thay đổi." - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên


"Mở cửa thị trường là khâu mấu chốt mà cơ quan Nhà nước phải đi đầu để giải quyết. Nếu chúng ta không mở cửa thị trường thì chắc chắn không thể xuất khẩu được. Ở Thái Lan, rau và hoa quả xuất sang thị trường Trung Quốc có 22 loại thì Việt Nam mới có 9 loại. Hiện, Bộ NN&PTNT đang đề nghị các đơn vị triển khai theo thứ tự các mặt hàng nông sản Việt Nam ưu tiên và sắp tới đối với thị trường Trung Quốc chúng ta chuẩn bị có tới 3 sản phẩm được đưa qua là khoai lang tím, thạch đen, sầu riêng." - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa