Xuất khẩu nông sản hướng tới mục tiêu 41 tỷ USD: Đích đến đã rất gần

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thiên tai và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 41 tỷ USD. Để cán đích, cùng với nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, rất nhiều giải pháp đang được ngành nông nghiệp nỗ lực triển khai.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhất Nam. Ảnh: Vân Nam
Tăng trưởng trong khó khăn
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Do vậy, việc duy trì được tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm đến nay được xem là thành công đáng ghi nhận. Trong 10 tháng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu nông sản cả nước đạt 33,56 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, đến nay, Việt Nam đã có 6 nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu hơn 2 tỷ USD.

Điển hình như mặt hàng gạo, 10 tháng qua, cả nước xuất khẩu trên 5,29 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt hơn 2,61 tỷ USD, giảm 4% về lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng có bước bứt phá mạnh mẽ, đạt kim ngạch 9,64 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, xuất khẩu nông sản duy trì tăng trưởng bởi nhu cầu tăng trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng quan trọng hơn là chất lượng nông sản Việt Nam đã chuyển biến. Điều này được minh chứng qua việc đơn hàng xuất khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tăng mạnh từ ngày 1/8/2020 (thời điểm hiệp định có hiệu lực). “Đây là thị trường lớn nhưng có những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Mở được cánh cửa xuất khẩu vào EU đồng nghĩa với vào được nhiều thị trường lớn khác” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Đồng bộ các giải pháp

Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình thiên tai và dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, phức tạp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu quý IV/2020 đạt trên 10 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả năm đạt 41 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, trước mắt, Bộ NN&PTNT đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh miền Trung cung cấp nguồn giống, sớm ổn định sản xuất sau mưa bão, lũ. Bên cạnh đó, do đặc thù mùa vụ, rau và cây ăn quả vụ Đông chủ yếu tập trung ở miền Bắc nên Cục sẽ cùng các tỉnh, thành khu vực này đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo dự báo của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm 2020 tiếp tục tăng. Một tín hiệu tích cực khác là, mới đây, Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia đã cấp phép cho 12 DN Việt Nam xuất khẩu thủy sản trở lại vào thị trường này.

Để hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương liên tục cập nhật tình hình của các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU. Về phía các DN, cần nắm chắc nội dung cam kết của đối tác trong các hiệp định thương mại với Việt Nam, nhất là vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản.
Bộ đang gấp rút hoàn thiện Đề án xuất khẩu nông sản để trình Chính phủ, trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn về cơ chế, chính sách hiện nay. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng hỗ trợ DN xây dựng các dự án tổ hợp chế biến nông sản để có thêm ít nhất 4 nhà máy chế biến lớn được khánh thành trong năm 2020.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường