Xuất khẩu nông sản Việt Nam – Nhật Bản: Tiềm năng rộng mở

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Mỹ và Trung Quốc). Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, tiềm năng hợp tác thương mại nông sản giữa hai nước rất rộng mở.

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trao đổi hợp tác tại một sự kiện kết nối thương mại nông sản giữa hai nước tổ chức giữa tháng 9/2019 tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
DN Nhật Bản rất quan tâm đến nông nghiệp
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 37,9 tỷ USD, chiếm 7,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất nhập khẩu nông sản đạt khoảng 3 tỷ USD. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước đạt khoảng 1,9 tỷ USD. Hiện, các DN Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 48 DN Nhật Bản tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số vốn hơn 270 triệu USD.
Vấn đề của ngành bảo quản, chế biến nông sản Việt Nam hiện nay là hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực còn hạn chế; thiếu cơ chế thúc đẩy sản xuất nông sản chất lượng cao. Để giải quyết những vấn đề trên, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ và cơ chế vận hành tốt hơn.
Phó Trưởng đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Nagura Kazuko
Phó Trưởng đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Nagura Kazuko cho biết, kết quả thăm dò mới đây của đơn vị cho thấy, có đến 70% DN Nhật Bản mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân là nông nghiệp Việt Nam có lợi thế rất lớn về quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường, chi phí nhân công rẻ và tình hình chính trị - xã hội rất ổn định.
Cùng với sự quan tâm ngày một lớn của các DN Nhật Bản, việc hai nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng được nhìn nhận sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có được lợi thế lớn từ cam kết mở cửa thị trường của Nhật Bản. Mức thuế đối với nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam sẽ được cắt giảm, điển hình là cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thịt lợn, thịt gà, mật ong, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Chìa khóa từ công nghệ chế biến
Cơ hội để nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản là rất rộng mở, song thách thức đặt ra cũng không ít. Trong đó, công nghệ bảo quản, chế biến được xem là yếu tố hết sức quan trọng đối với mục tiêu gia tăng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước.
Đưa ra dẫn chứng về trái xoài, Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Yuichiro Shiotani cho rằng, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa chất lượng của nông sản. Theo ông Shiotani, xoài Cát Chu của tỉnh Đồng Tháp rất ngon nhưng vẫn chưa thể sánh được với xoài Đài Loan, Philippines, Thái Lan, đặc biệt là Pakistan. Xoài Pakistan giá rẻ, nhưng ngon hơn tất cả các loại xoài đang được bán tại hệ thống AEON. Để có được những trái xoài vừa ngon vừa rẻ như vậy, người nông dân Pakistan có kỹ thuật riêng. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản, chế biến của Pakistan cũng rất tốt.
Đại diện một số DN Nhật Bản cũng cho rằng, nếu Việt Nam có được một quy trình sản xuất và kỹ thuật bảo quản, chế biến nông sản bằng phương pháp đông lạnh tốt thì có thể xuất khẩu được số lượng lớn và quanh năm sang Nhật Bản.
Liên quan tới khuyến nghị về nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ vừa có văn bản tham mưu Chính phủ chủ trì hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các tổ chức đại diện cho người nông dân, các DN Việt Nam - Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phân phối, tiêu thụ nông sản.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản đều có những lợi thế riêng, có những loại nông sản đặc trưng, và sự hợp tác giữa hai nước sẽ “không mang tính cạnh tranh”. Đồng thời nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT sẵn sàng là đầu mối hỗ trợ để các DN Nhật Bản vào đầu tư tại Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần