Xuất khẩu tăng, nhưng tỷ trọng hàng nội thấp dần

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu kỳ này đã tăng 13,9% (cao hơn tốc độ tăng của năm trước và cao hơn tốc độ tăng theo kế hoạch đề ra cho năm 2017).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tín hiệu cảnh báo cũng cần đưa ra đó là tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả tích cực về xuất/nhập khẩu tính từ đầu năm đến 15/4 được thể hiện trên một số điểm chủ yếu. Tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 52,51 tỷ USD, lớn nhất từ trước tới nay. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu kỳ này đã tăng 13,9%, cao hơn tốc độ tăng của năm trước và cao hơn tốc độ tăng theo kế hoạch đề ra cho năm 2017. Nếu những tháng cuối năm giữ được nhịp độ tăng này, cả năm sẽ vượt qua mốc 200 tỷ USD và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (6 - 7%). Trong 45 mặt hàng chủ yếu được thống kê chi tiết, có 38 mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 23 mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung. Tính đến 15/4, đã có 9 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Kim ngạch tăng do cả lượng tăng (khoảng 10,8%), do cả giá tăng (5,71%) và đây là kết quả kép. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục xuất siêu (4,16 tỷ USD, bằng 13% xuất khẩu của khu vực này).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, diễn biến xuất/nhập khẩu cũng cảnh báo một số vấn đề đáng quan tâm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước (28,2% so với 28,6%), ngược chiều so với của khu vực có vốn FDI cao và tăng so với cùng kỳ năm trước (71,8% so với 71,4%). Một số mặt hàng thế mạnh nhưng kim ngạch bị giảm (hạt tiêu; gạo; sắn và sản phẩm từ sắn; mây, tre, cói, thảm; điện thoại các loại và linh kiện...). Một số mặt hàng kim ngạch tăng thấp (thức ăn gia súc; clanke và xi măng; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù; sản phẩm gốm sứ...). Một số mặt hàng giá tăng khá nhưng lượng lại giảm như dầu thô... Một số thị trường xuất khẩu bị giảm so với cùng kỳ năm trước (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Anh, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ,...). Đáng lưu ý, xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 3,8%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của nhập khẩu từ đây 26,1%.
Do xuất khẩu tăng thấp hơn nhập khẩu (13,9% so với 23,7%), nên trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ xuất siêu trong cùng kỳ năm trước (1.583 triệu USD) sang nhập siêu (2.565 triệu USD). Tỷ lệ nhập siêu lên đến 4,9% - cao hơn chỉ tiêu kế hoạch cả năm (3,5%) theo Nghị quyết của Quốc hội. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu với quy mô lớn hơn (7.204 triệu USD so với  4.635 triệu USD), tỷ lệ nhập siêu lớn hơn (48,6% so với 35,2%). Khu vực có  vốn FDI tiếp tục xuất siêu, nhưng quy mô thấp hơn (4640 triệu USD so với 6218 triệu USD), với tỷ lệ xuất siêu thấp hơn (12,3% so với 18,9%).
Bên cạnh đó, thách thức lớn ở phía trước là nguồn hàng, sự chuyển dịch thị trường xuất/nhập khẩu trước xu hướng bảo hộ mậu dịch và nhập siêu. Nhập siêu không chỉ tác động đến cán cân thanh toán, tỷ giá... mà còn chèn lấn tăng trưởng ở trong nước.