Xuất khẩu thực phẩm và đồ uống Việt Nam: Thay đổi để nắm bắt cơ hội

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành thực phẩm - đồ uống là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, đòi hỏi các DN phải không ngừng thay đổi để thích ứng trong bối cảnh thị trường thực phẩm - đồ uống cạnh tranh gay gắt cũng như nhạy bén nắm bắt cơ hội từ xu hướng tiêu dùng mới.

 Hoạt động sản xuất tại nhà máy bia Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Vượt bão dịch, nhiều doanh nghiệp lãi khủng

Trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cùng sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, các DN ngành thực phẩm, đồ uống đã nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới. Nhờ đó, kết quả kinh doanh không những không bị suy giảm mà còn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Điển hình như, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), lợi nhuận sau thuế quý III/2020 ghi nhận tăng trưởng 1%, đạt 1.470 tỷ đồng. Theo lý giải của đại diện Sabeco, lợi nhuận tăng nhẹ trong quý III/2020 là nhờ việc quản lý chi phí tốt hơn và thị trường đã khôi phục sau đại dịch.

Không chỉ riêng Sabeco, nhiều DN khác cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong quý III/2020 như Masan MEATLife lãi ròng 208 tỷ đồng, tăng trưởng 131%; GTNFoods lãi ròng 87,2 tỷ đồng, tăng 289%; Vinamilk lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt 3.138 tỷ đồng, tăng 17%...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), song mặt hàng đường của Việt Nam vẫn có những “điểm sáng”. Đơn cử như, Công ty Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC sugar), doanh thu vẫn tăng mạnh nhờ gia tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng đường cao cấp, có giá trị gia tăng cao như: Đường organic, đường vàng, đường premix khoáng chất... Vừa qua, TTC sugar đã xuất khẩu thành công 500 tấn mật rỉ organic đầu tiên sang thị trường Mỹ, nâng tổng số thị trường của DN này lên 24 quốc gia.
“EVFTA chính thức có hiệu lực được xem là đòn bẩy tích cực khi thuế suất áp dụng đối với mặt hàng đường nhập khẩu vào châu ÂU là 0%. Do đó, công ty sẽ tiếp tục khai thác các quốc gia mới, gia tăng đơn hàng và đẩy mạnh thị phần ở thị trường quốc tế” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT TTC Sugar Phạm Hồng Dương cho hay.

Thực tế cho thấy, các DN ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc chuyển đổi để thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khảo sát mới đây của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, hơn 90% DN đã nhận ra những khó khăn mà ngành thực phẩm - đồ uống phải đối mặt và tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng cũng như mạng lưới phân phối của mình để có thể thích nghi với khủng hoảng. Nhiều DN nhận định, dịch Covid-19 đang tạo ra cú hích thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và cả chiến lược của DN.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, ngành thực phẩm - đồ uống là ngành có tiềm năng rất lớn của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm - đồ uống không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng các sản phẩm nông sản, thực phẩm phong phú cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện, thực phẩm - đồ uống là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Do đó, công tác xúc tiến thương mại ngành thực phẩm - đồ uống đang được các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, DN thực hiện tích cực tại nhiều thị trường quốc tế.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, thực phẩm - đồ uống nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Bộ Công Thương dự báo, ngành thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 5 - 6% trong giai đoạn 2020 - 2025.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành, những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và cú sốc Covid-19 đang định hình lại ngành thực phẩm - đồ uống, đòi hỏi các DN cần có chiến lược đối phó. Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng trở thành động lực dẫn dắt thị trường buộc các DN phải xây dựng các chiến lược kinh doanh mới.

Chỉ ra cơ hội và thách thức mà ngành thực phẩm - đồ uống phải đối mặt, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho rằng, nhu cầu tiêu dùng đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm dinh dưỡng, có nguồn gốc hữu cơ. Đó là cơ hội để DN Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển. Tuy nhiên, thực phẩm - đồ uống của Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá cả, thương hiệu… với các DN nước ngoài tại chính thị trường trong nước. “DN cần tận dụng mọi kênh phân phối, đặc biệt là thương mại điện tử để tối ưu hóa việc tiếp cận khách hàng mục tiêu, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước” - bà Lý Kim Chi lưu ý.

Coi trọng xây dựng, phát triển thương hiệu

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam là giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế. Qua đó, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm - đồ uống bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ngành này ra thị trường thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, việc cần làm ngay đối với các DN ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam là phải chú trọng, đầu tư thích đáng cho công tác xây dựng, phát triển thương hiệu. Bởi, uy tín thương hiệu là yếu tố hàng đầu người tiêu dùng xem xét khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm - đồ uống bên cạnh chất lượng, giá cả, mức độ đa dạng hay sự tiện lợi trong hệ thống mua sắm.
Chuyên gia quốc tế Leon Trujilo nhận định, hiện nay thực phẩm - đồ uống Việt Nam mới chỉ có các thương hiệu đơn lẻ, mà chưa có một thương hiệu bao trùm cho ngành để tạo được sức mạnh làm thay đổi nhận thức quốc tế. Do đó, để xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm - đồ uống thành công, các DN Việt Nam phải có những định vị sự khác biệt so với các đơn vị khác về sản phẩm, chất lượng. Đặc biệt, phải có chiến dịch truyền thông, quảng bá thương hiệu bài bản, thường xuyên.

Thực tế cho thấy, cơ hội để phát triển của các thương hiệu thực phẩm - đồ uống tại Việt Nam là rất lớn. Khi cá́c DN nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích.
Song song với đó, tính cạnh tranh được đẩy lên, một mặt kích thích các DN trong nước thích nghi đổi mới để hòa vào sân chơi thương mại chung. Vì vậy, trong thời gian tới, các DN ngành thực phẩm - đồ uống cần đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá và phát triển thương hiệu nhằm hiện thực hóa ghi danh trên bản đồ thực phẩm - đồ uống thế giới.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều diễn biến khó lường do tác động của dịch Covid-19, việc xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực tăng chậm lại, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để DN nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến cũng là xu hướng tất yếu giúp ngành thực phẩm - đồ uống mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận nhanh với người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành