Xuất khẩu trái cây: Dễ mà khó!

Bài, ảnh: Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nông sản, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu (XK) tới 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các thị trường yêu cầu cao như Mỹ, Úc, Nhật... nhưng để có thể trụ vững tại những thị trường này thì không hề đơn giản.

Xuất khẩu tăng mạnh

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 7/2018 kim ngạch XK rau, trái cây đạt 330 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng 6, qua đó đưa tổng kim ngạch XK mặt hàng này lên đến 2,32 tỷ USD tăng 14,6% so với cùng kỳ 2017. Một số thị trường XK trọng điểm đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể thị trường Trung Quốc tăng 18%, thị trường Mỹ 15,9%, Hàn Quốc 16,7%...
 Tuần lễ nhãn lồng Sơn La 2018 thu hút khách hàng Thủ đô.
Đặc biệt đối với mặt hàng trái cây sau thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Canada… mới đây, nông sản Việt lại đón nhận tin vui khi trái chôm chôm được cấp phép XK vào thị trường New Zealand. Dự kiến sau chôm chôm, từ năm 2019, quả nhãn tươi, tôm tươi nguyên con của Việt Nam sẽ được XK sang Úc.

Thực tế XK trái cây thời gian qua cho thấy, Việt Nam có thế mạnh về mặt hàng này không phải nước nào cũng có được. Chẳng hạn như thanh long, xoài, vải thiều... Việt Nam được nhiều nước đánh giá rất ngon và muốn nhập khẩu. Đây chính là cơ hội cho các DN XK nông sản Việt Nam giảm dần lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Phó Cục trưởng Cục XK (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đánh giá, việc trái cây Việt Nam có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ đã góp phần nâng cao uy tín cho nông sản Việt. Đồng thời tạo thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận các thị trường khác trên thế giới, làm đa dạng hóa thị trường và tạo động lực cho nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.

Không dễ như mong muốn

Thực tế cho thấy, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, hiện nay, ngành sản xuất trái cây ăn quả Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức trước những quy định ngặt nghèo của nước sở tại về kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, đóng gói…

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Úc Nguyễn Thị Hoàng Thúy, năm 2015, trái vải Việt Nam được phép thâm nhập thị trường Úc sau 10 năm đàm phán. Đến nay, sau 3 năm triển khai, số lượng DN tham gia XK giảm đến 70% bởi không đáp ứng được yêu cầu của phía Úc. Ngoài ra, giá vải của Việt Nam cao hơn vải Thái Lan và Trung Quốc bởi chi phí chiếu xạ, vận chuyển bằng hàng không cao hơn. Đồng thời khâu thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển chưa chuẩn, do vậy hầu hết các lô hàng đều vướng kiểm dịch, bị giữ lại để xử lý dẫn đến chi phí lưu kho, lưu bãi, kiểm dịch chưa kể hao hụt do vải bị hỏng.

Nói về lý do rút khỏi hoạt động XK vải thiều sang thị trường Úc, Giám đốc Công ty XNK nông sản Việt Tuấn Nguyễn Công Cường chia sẻ, mối lo lớn nhất đối với DN XK trái cây là khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm an toàn thực phẩm theo yêu cầu của bên nhập. Chỉ một lô vi phạm an toàn thực phẩm, DN thiệt hại bằng 15 lô xuất thành công. Và, cũng với chỉ một lần “thất tín” DN đó còn bị tăng tần suất kiểm tra lên 50%-100%, thay vì 5% như bình thường.

Không chỉ mặt hàng vải, nhãn lồng cũng trong tình trạng tương tự. Tại Lễ khai mạc Tuần lễ nhãn lồng Sơn La vừa được tổ chức tại Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu Ngô Tường Vy cho biết: Mặc dù mẫu mã và chất lượng của các vùng nhãn thâm canh tại phía Bắc trong niên vụ năm 2018 đủ tiêu chuẩn XK sang thị trường Mỹ, tuy nhiên việc thu mua nhãn tại các tỉnh phía Bắc để XK rất khó khăn, do buộc phải vận chuyển vào chiếu xạ và đóng gói tại TP Hồ Chí Minh khiến chi phí vận tải tăng 2.000 đồng/kg.

Để khắc phục tình trạng trên, các DN và Thương vụ Việt Nam kiến nghị: Chính phủ cần xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho DN; Hàng không Việt Nam nên trợ giá cước vận chuyển cho DN XK. Đồng thời Cục Bảo vệ thực vật hoặc địa phương cần hướng dẫn nông dân cách làm mới hiệu quả và tuân thủ quy định tiêu chuẩn chất lượng của nhà nhập khẩu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần