Xuất khẩu trực tuyến: Chìa khóa cho hội nhập

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phủ nhận thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang là công cụ hiệu quả giúp các DN đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, song hoạt động này cũng đặt ra nhiều thách thức cho cả DN và cơ quan quản lý.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Xuất khẩu trực tuyến – Thách thức và tiềm năng cho DN Việt” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 5/7.

Gia tăng lợi ích

Chia sẻ về hiệu quả khi tham gia xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nam Sơn Đỗ Thanh Sơn cho biết, dù mới tham gia xuất khẩu hàng hóa qua trang Alibaba khoảng hơn một năm nhưng đã mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm thêm được 4 nước châu Á. Đối với Công ty May 10, so với trước khi Amazon thông báo đổ bộ vào thị trường Việt Nam (tháng 3/2018), thông qua hệ sinh thái của đại gia TMĐT này, công ty còn xuất khẩu được theo hình thức B2C (bán hàng cho người dùng cá nhân).
Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt khẳng định, công ty coi đây là chiến lược dài hạn vừa đúng xu thế bán lẻ hiện đại, vừa cắt giảm chi phí DN. Với khoản chi phí tiết kiệm được, DN có thể làm thương hiệu một cách nhanh nhất và cũng là con đường ngắn nhất đến tay người dùng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu qua kênh TMĐT có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng. Đáng nói, theo tính toán của các chuyên gia, lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần khi xuất khẩu theo hình thức B2C.

"Việt Nam đang trong quá trình tích cực hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, bên cạnh những cơ hội do hội nhập mang lại, các DN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ quốc tế. Một trong các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN chính là việc ứng dụng TMĐT để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam." - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố, trong 5 năm qua, Hà Nội liên tục là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT. Đặc biệt, thị trường TMĐT trên địa bàn Hà Nội nói riêng đã có sự chuyển mình rõ rệt, với doanh thu cả năm 2017 đạt 36.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 2% so với năm 2016). Lũy kế đến tháng 5/2018, có tổng số 7.726 website, ứng dụng TMĐT của tổ chức, cá nhân đã thông báo, đăng ký hoạt động trên địa bàn TP.

Đối mặt nhiều rủi ro

Bên cạnh những lợi ích khi xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT, hoạt động này cũng đặt ra nhiều thách thức với các DN Việt. Điểm dễ nhận thấy của TMĐT là giao dịch qua internet và chủ yếu người mua là khách lẻ. Hóa đơn bán hàng và chứng từ thường sơ sài, thậm chí không có. Người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giấy bảo hành sản phẩm. Vì thế, các DN phân phối và bán lẻ dễ dàng qua mặt cơ quan thuế. Nhiều công ty mua bán online, mặc dù chưa được cấp phép đầy đủ, nhưng DN vẫn hoạt động bán lẻ, trốn thuế và lừa đảo thông qua website. Vì vậy, yêu cầu có những quy định chặt chẽ hơn với các công ty kinh doanh online là rất cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải nhận định, hoạt động TMĐT luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức với cơ quan quản lý. Các chủ thể hoạt động TMĐT dễ dàng xóa dấu vết, cản trở việc thu thập chứng cứ khi vi phạm. Bên cạnh khó khăn trong kiểm soát hàng giả, hàng nhái, thì tình trạng gian lận thuế là một trong những vấn đề nhức nhối của các cơ quan chức năng. Chưa kể, trong bối cảnh TMĐT đang phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mua sắm, bán lẻ, du lịch trực tuyến, quảng cáo trực tuyến còn tạo cơ hội cho dòng tiền “chảy” ra nước ngoài.

Các chuyên gia cũng cho rằng, ở Việt Nam, hoạt động TMĐT tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi việc thực hiện thao tác thương mại trên môi trường điện tử mới chỉ ở mức độ thấp, mang tính bán sơ khai, chưa chuyên nghiệp, tập quán thương mại vẫn là dùng tiền mặt, mua sắm nhỏ lẻ. Đó là chưa kể so với cách bán hàng truyền thống, chi phí phải trả cho các trang TMĐT không hề thấp. Trong khi đó, nếu gặp phải những rủi ro trong giao dịch, DN vẫn phải hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.