Xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước tăng

Bài, ảnh Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản xuất công nghiệp tăng cao ở mức 20,9%, kim ngạch xuất khẩu tăng 33,1%, nhập khẩu tăng 47,4%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trong nước tăng 3%... là những con số ấn tượng của ngành Công Thương trong tháng 1.

Nhu cầu mua sắm tăng
Tình hình sản xuất, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng 1 như năm 2017. Đây là thời điểm các DN tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết (tháng 1/2017 có 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán).
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm may mặc tại Trung tâm M2 (163 Thái Hà) của Công ty CP M2 dịp cuối đầu năm 2018.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 1/2018 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Tivi tăng 62,9%; sữa bột tăng 51%; sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 34,1%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 33,8%; xi măng tăng 29,7%; sắt, thép thô tăng 28,4%; than đá tăng 27,1%; thép thanh, thép góc tăng 24,1%; khí đốt thiên nhiên tăng 22,1%; bia tăng 21,5%; thuốc lá điếu tăng 21,2%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Giày, dép da tăng 3,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 3,4%; dầu gội đầu, dầu xả tăng 1,9%; thức ăn cho gia súc bằng cùng kỳ năm trước; phân u rê giảm 8,5%; dầu thô khai thác giảm 10,7%...
Đối với hoạt động thương mại, về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 19 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 5,41 tỷ USD, tăng 31,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,6 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2018 ước đạt 19,3 tỷ USD, giảm 3% so với tháng 12/2017 và tăng 47,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 7,8 tỷ USD, tăng 43,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, cán cân thương mại, tháng 1 ước nhập siêu 300 triệu USD, bằng 1,6% kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Khu vực DN trong nước nhập siêu 2,39 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,09 tỷ USD.
Đặc biệt, thị trường trong nước, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong tháng giáp Tết Nguyên đán diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1 tăng cao do nhu cầu mua sắm chuẩn bị Tết của người dân vào dịp này tăng, ước đạt 361,073 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,38%. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 272.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 75,3%; lưu trú, ăn uống ước đạt 45,09 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%, chiếm tỷ trọng 12,5%; du lịch ước đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3%, chiếm tỷ trọng 1,1%; dịch vụ đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 9,9%, chiếm tỷ trọng 11,1%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao, đồng thời dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng trong những ngày đầu năm mới.
Kiểm tra sản phẩm linh kiện điện thoại cung cấp cho hàng LG của Công ty CP 4P (Văn Giang, Hưng Yên).
7 nhiệm vụ trọng tâm
Từ tình hình thực tiễn, Bộ Công Thương xác định trong tháng 2 tập trung vào một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ hai, các đơn vị, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, xét đến năm 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (dự kiến trong tháng 2 năm 2018).
Thứ ba, về thị trường trong nước, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, để đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, không để tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra cục bộ ở một số nơi; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua khuyến khích và hỗ trợ các DN tích cực đưa hàng hóa về các vùng nông thôn; vùng sâu; vùng xa, nhằm mở rộng và thiết lập thị trường vững chắc cho hàng hóa sản xuất trong nước.
Thứ tư, triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường cao điểm tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Thứ năm, thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới.
Thứ sau, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Thứ bảy, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa và sắp xếp lại các DN nhà nước thuộc Bộ theo đề án, tiến độ, lộ trình đề ra đảm bảo chất lượng; cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và thoái vốn nhà nước tại DN mà nhà nước không cần nắm giữ theo các nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần