Xuất siêu 2 tháng đầu năm: Mừng hay lo?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) 2 tháng đầu năm có sự khác biệt so với số liệu ước tính trong báo cáo 2 tháng của Tổng cục Thống kê trước đó.

 Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử theo công nghệ SMT tại Công ty TNHH 4P, khu công nghiệp Hưng Yên. Ảnh: Danh Lam

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Tổng kim ngạch XNK của cả nước trong 2 tháng đầu năm nay tăng khá cao so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (6,2% so với 4,9%) và cũng cao hơn tốc độ tăng theo báo cáo ước tính trước đây của Tổng cục Thống kê (2,4%). Tốc độ tăng cao này càng có ý nghĩa khi đạt được trong điều kiện dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc.
Đáng lưu ý, tăng trưởng của khu vực kinh tế trong nước tăng cao gấp đôi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (8,4% so với 4,1%), nên tỷ trọng trong tổng kim ngạch XNK của cả nước của khu vực kinh tế trong nước 2 tháng năm nay đã cao hơn của cùng kỳ năm trước (36,3% so với 35,6%). Mặc dù tỷ trọng này còn thấp, nhưng đã cao lên, chứng tỏ nội lực đã được quan tâm nhiều hơn trước.
Tăng trưởng tổng kim ngạch XNK của cả nước đạt được ở cả XK và NK. Đáng lưu ý, tăng trưởng của kim ngạch XK cao gấp gần 3 lần của kim ngạch NK (8,4% so với 2,9%).
Tăng trưởng tổng kim ngạch XNK của cả nước đạt được ở cả XK và NK. Đáng lưu ý, tăng trưởng của kim ngạch XK cao gấp gần 3 lần của kim ngạch NK (8,4% so với 2,9%).
XK đạt được một số điểm vượt trội. Tốc độ tăng của 2 tháng đầu năm là tín hiệu để cả năm có thể đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng 7%). Tăng trưởng của khu vực trong nước cao gấp 3 lần của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 45 nhóm, mặt hàng có 27 nhóm, mặt hàng tăng so với cùng kỳ, trong đó 17 nhóm, mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung (8,4%). Mới qua 2 tháng đã có 7 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (từ trên 1,4 đến gần 7,6 tỷ USD).
Trong 63 tỉnh, TP có 38 địa bàn tăng so với cùng kỳ, trong đó có 9 địa bàn có mức kim ngạch tuyệt đối tăng cao (trên 100 triệu USD), 9 địa bàn đạt từ 1 tỷ USD đến 6,3 tỷ USD. Trong 80 thị trường có 49 thị trường tăng so với cùng kỳ, trong đó 5 thị trường có mức tăng kim ngạch tuyệt đối lớn (trên 100 triệu USD) là: Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mexico. Mới qua 2 tháng đã có 5 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (từ 1 đến trên 10 tỷ USD) là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức.
Vẫn còn bất cập
Bên cạnh những điểm vượt trội cũng còn những hạn chế, bất cập. Tỷ trọng XK của khu vực trong nước còn thấp. Còn 19 mặt hàng kim ngạch XK bị giảm, có loại giảm sâu như: Thủy sản, rau quả, chè, hạt điều, xăng dầu, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, cao su, sắt thép... Có 25 địa bàn bị giảm, trong đó có một số địa bàn có mức giảm lớn (trên 500 triệu USD) như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội. Có 31 thị trường giảm, trong đó giảm lớn (trên 50 triệu USD) như: Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Tây Ban Nha, Nga, Pháp.
NK tăng thấp, có 27 mặt hàng còn bị giảm, có 23 mặt hàng bị giảm sâu, trong đó những mặt hàng là nguyên vật liệu cho sản xuất trong nước và XK. Theo thị trường, có 40 thị trường bị giảm, trong đó giảm lớn là Trung Quốc, Thái Lan, Brasil, Campuchia, Đức,… Tuy nhiên, có 34 thị trường tăng, trong đó tăng lớn có Đài Loan, Kawait, Ailen,…
Do NK tăng thấp hơn XK nên mới qua 2 tháng đã có xuất siêu 1815,3 triệu USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu lớn (4714,1 triệu USD). Một số thị trường xuất siêu lớn (trên 100 triệu USD), trong đó cao nhất là Mỹ 8080,9 triệu USD, Hà Lan 893 triệu USD, Hồng Kông 819,5 triệu USD, Anh 647,8 triệu USD, Campuchia 532,1 triệu USD, Đức 514,3 triệu USD, Canada 453,3 triệu USD, Áo 430,2 triệu USD… Kết quả xuất siêu của 2 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cuối năm có thể sẽ xuất siêu; nếu có nhập siêu thì cũng không bị nhập siêu lớn như mục tiêu (3% XK, tính ra khoảng trên 8 tỷ USD).