Xúc động 2 tài xế xứ Nghệ lái xe cứu thương về hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang

Mai Toan - Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “22 giờ, ngày thứ 3 tại Bắc Giang cùng bữa cơm tối trên vô lăng. Tôi ăn vội được nửa hộp cơm rồi lại đi tiếp kẻo mọi người chờ. Đến điểm giao hàng lại ăn nốt. Chúc cả nhà ngủ ngon. TP Bắc Giang cũng chìm vào giấc ngủ vì lệnh giãn cách. Tôi lại tiếp tục chuyển hàng cho các đoàn đang chờ…” - là những dòng nhật ký ngắn ngủi đầy xúc động của anh Nguyễn Hoàng Hà (SN 1976), huyện Yên Thành, Nghệ An, tài xế lái xe cứu thương từ xứ Nghệ ra “chia lửa” với Bắc Giang.

Bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng là quê hương
Ngày 29/5, tiếp tục là một ngày bận rộn sau 4 ngày đặt chân đến Bắc Giang của anh Nguyễn Hoàng Hà, giáo dân ở giáo xứ Lâm Xuyên và bạn đồng hành Nguyễn Đình Quảng (SN 1974) cùng ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Như chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng Hà “Bắc Giang - TP xa lạ bỗng trở nên thân quen bởi chung tôi có chung một kẻ thù, ấy là virus SARS-CoV-2”.
Bắc Giang đang làm tâm dịch với số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước, mỗi ngày lên tới hàng trăm trường hợp F0. Yêu cầu chi viện về vận chuyển bệnh nhân đi điều trị, F1 đi cách ly hay chuyển chở mẫu xét nghiệm ngày càng cấp bách. Lực lượng y tế phải căng mình làm việc xuyên ngày xuyên đêm với hy vọng sớm dập tắt dịch.
Chiều 26/5, 2 anh Hà và Quảng cùng xe cứu thương đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NVCC

Trong tình hình ấy, dù làm tình nguyện ở Bắc Giang, song 2 anh Nguyễn Hoàng Hà và Nguyễn Đình Quảng cũng gần như vận hành hết công suất của chiếc xe cứu thương. Anh Hà chia sẻ: “Chỉ qua mấy ngày tại quê hương mới, nhưng chúng tôi hòa nhập rất nhanh từ công việc cho đến những “đồng nghiệp” tại CDC Bắc Giang. Các anh chị làm việc xuyên đêm còn tôi chia ca, Hà chạy đêm anh Quảng chạy ngày. Về sức khỏe thì rất may là Tổ công tác chúng tôi sống lành mạnh, luyện tập thể thao thường xuyên lại quen với kiểu giờ giấc chạy cứu thương nên khá ổn”.
2 giờ sáng 29/5, anh Hà được lệnh vận chuyển các mẫu bệnh phẩm về Trung tâm xét nghiệm, rồi lại chuyển vật tư đi các điểm. 5 giờ sáng, anh Nguyễn Đình Quảng lại tiếp ứng chở đoàn cán bộ đi kiểm tra các khu cách ly.
Kể về hành trình ra Bắc Giang “chia lửa” của mình, anh Nguyễn Hoàng Hà cho biết: "Đây là xe cứu thương của giáo xứ Lâm Xuyên, huyện Yên Thành để đưa đón người dân nghèo không may ốm đau phải đi viện. Tôi và anh Quảng là thành viên của tổ cấp cứu, phụ trách nhiệm vụ lái xe đưa người bệnh”.
Gần đây, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thấy tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Giang phức tạp, bà con giáo dân tại địa phương muốn góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Ban đầu, anh Hà và bà con định quyên góp lương thực, thực phẩm gửi ra hỗ trợ Nhân dân Bắc Giang nhưng qua người quen được biết Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang đang thiếu nhân lực và phương tiện hỗ trợ công tác cấp cứu.
“Trong lòng như có trống giục khiến cả đêm không sao ngủ được, khoảng 4 giờ 30 phút ngày 26/5 tôi và anh Quảng xin phép linh mục Giuse Nguyễn Xuân Phương cho đưa xe đi Bắc Giang hỗ trợ và được đồng ý. Thế là chúng tôi lập tức lên đường” - anh Hà kể lại.
Vừa đến Bắc Giang, 2 anh đã nhận nhiệm vụ ngay.
Ở quê nhà, bố mẹ, vợ con lo lắng vì Bắc Giang đang là tâm dịch nhưng biết đây là công việc cực kỳ ý nghĩa nên mọi người đều ủng hộ. Họ trở thành hậu phương vững chắc động viên hai anh lên đường bình an, đóng góp cho nhiệm vụ phòng, chống dịch của Bắc Giang.
Hơn 5 tiếng liên tục lái xe từ Nghệ An, khoảng 16 giờ ngày 26/5 các anh đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang. Được Trưởng Phòng Tổ chức hành chính (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang) Lê Tiến Dũng tiếp đón thân tình và nồng hậu, cả 2 anh thực hiện đầy đủ quy định, hướng dẫn phòng dịch để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, sau đó bắt tay vào nhận nhiệm vụ.
"Có quá nhiều cuộc gọi và tin nhắn hỏi vì sao lại về tâm dịch Bắc Giang lúc này, tôi chỉ cười. Bắc Giang cũng như quê hương tôi, bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng là quê hương” - anh Hà tâm sự.
Bao giờ hết dịch mới về
Là người yêu thích cuộc sống trải nghiệm, thường xuyên đi đến các vùng miền của đất nước Việt Nam nên cách đây vài năm, anh Hà từng đạp xe dã ngoại đến huyện Sơn Động. Giờ đây, anh Hà và anh Quảng biết thêm những cái tên mới như: Khu cách ly tập trung ở trường Mầm non Nghĩa Phương, trường THCS thị trấn Đồi Ngô số 2 (Lục Nam); Bệnh viện dã chiến số 1, số 2; khu công nghiệp Đình Trám, Vân Trung (Việt Yên)...
Những chuyến xe chạy thâu đêm không làm anh Nguyễn Hoàng Hà thấy mệt mỏi khi ngoài kia còn rất nhiều người đang cần tới các anh. Ảnh: NVCC

Hỏi về sinh hoạt hàng ngày, các anh chia sẻ được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang lo chu đáo. Hiện 2 anh được bố trí ở cùng em Đặng Minh Trí (SN 1997), quê ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) cũng là người vượt hơn 500km đến TP Bắc Giang chống dịch - ở một nhà nghỉ trên địa bàn phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) để thuận tiện di chuyển, lên đường bất cứ khi nào. Như lời cảm ơn dành cho các tài xế thiện nguyện, chủ nhà nghỉ cũng miễn phí chỗ ở.
Công việc vất vả, chạy ngày chạy đêm đến các điểm nóng, song 2 anh đều không ngại khó, ngại khổ. Nhiều hôm, bữa ăn cũng vội vàng trên xe lúc TP Bắc Giang đã chìm trong giấc ngủ.
0 giờ 45 ngày 28/5, khi cả TP Bắc Giang đang chìm trong giấc ngủ, các anh được lệnh lên đường vận chuyển thiết bị và vật tư y tế đến một ngôi trường. Tại đây chị em phụ nữ đang phân chia hàng để sáng lên đường sớm kịp đến các khu công nghiệp. Nơi công nhân yêu mến đang chờ được hỗ trợ y tế. “Thấy chị em làm việc xuyên đêm không quản ngại mà chúng tôi cũng khỏe hẳn ra, chả thấy mệt” - anh Hà chia sẻ.
Vừa làm tài xế, anh Hà kiêm luôn chân bốc vác.

Rồi buổi sáng, anh Hà chở đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Bộ Chỉ huy quân sự đi huyện Sơn Động kiểm tra. 17 giờ về CDC Bắc Giang tiếp tục giao vật tư y tế cho các đoàn tình nguyện để họ đi làm việc vào ngày hôm sau. “Nhưng chúng tôi làm việc chưa là gì so với đội ngũ y tế của CDC Bắc Giang” - anh Hà bày tỏ.
Lịch làm việc dày đặc nhưng các anh luôn chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch. Theo anh Hà, trong quá trình lưu thông, tiếp xúc với những người khác, các anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt về quy định phòng, chống dịch. Hơn nữa, ba ngày một lần, sau giờ làm việc buổi chiều, các anh được làm xét nghiệm PCR để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như yêu cầu công việc.
“Bắc Giang những ngày qua tăng rất cao về số ca mắc nhưng tất cả đều nằm ở trong khu cách ly tại các cụm công nghiệp chứ không có ổ dịch mới. Đây là một tín hiệu rất vui của dịch được kiểm soát chứ chưa… vỡ chợ” - anh Hà vui vẻ cập nhật tình hình.
Sau mỗi chuyến đi, chiếc xe cứu thương lại được khử khuẩn để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Chia sẻ về hành động nghĩa tình của 2 anh Nguyễn Hoàng Hà và Nguyễn Đình Quảng, trên trang Facebook cá nhân của mình, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính (CDC Bắc Giang) Lê Tiến Dũng xúc động viết: “Lại thêm nữa, một tấm lòng bầu bí thương nhau trong lúc hoạn nạn! Cảm ơn các anh, khúc ruột miền Trung luôn trong lòng người dân Bắc Giang chúng tôi!!!”.
Được biết, trước khi đến tâm dịch Bắc Giang, 2 anh Nguyễn Hoàng Hà và Nguyễn Đình Quảng đã chuyên chở hàng trăm bệnh nhân nghèo của tỉnh Nghệ An đi cấp cứu những khi nguy cấp.

3 ngày một lần, 2 anh đều được lấy mẫu xét nghiệm PCR.

“Khi Tổ quốc gọi, tôi sẽ lên đường và xác định ở lại phục vụ bà con cho đến khi nào hết dịch mới trở về. Đây là lúc những người anh em cần chúng tôi, cũng như mai đây có thể quê hương tôi cần anh em. Ở đời ai dám nắm tay tối ngày, bạn định ngồi rung đùi khi nhà hàng xóm cháy ư? Kết thúc một ngày được làm việc, được sống cuộc đời thật ý nghĩa. Sớm mai tôi lại lên đường đưa cán bộ y tế, quân đội đi làm nhiệm vụ" - anh Hà giãi bày.
Anh Nguyễn Hoàng Hà và anh Nguyễn Đình Quảng chia sẻ khi làm việc tại huyện Lục Nam.