Xúc động tiễn đưa Nhà giáo Văn Như Cương

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/10, hàng trăm bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh (HS) và rất nhiều thế hệ học trò cùng đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư và Hà Nội đã có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) để tiễn biệt Nhà giáo Văn Như Cương về với đất mẹ.

Tấm gương mẫu mực

Trước giờ cử hành tang lễ, rất đông người thân, bạn bè đã có mặt tại Nhà tang lễ chờ đến giây phút vào tiễn biệt người thầy lần cuối. Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt học trò; sự trân trọng và tiếc nuối bao trùm cả bên ngoài nhà tang lễ... Đến tiễn đưa và chia buồn cùng gia đình PGS Văn Như Cương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung viết trong sổ tang: "PGS Văn Như Cương đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục của Thủ đô và đất nước. Ông mãi là tấm gương mẫu mực cho nhiều thế hệ học trò của Thủ đô và đất nước noi theo".
 Học sinh trường Lương Thế Vinh tiễn đưa Nhà giáo Văn Như Cương. Ảnh: Trần Anh.
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Không chỉ là một trong những "cây đa, cây đề" của Toán hình học Việt Nam, ông còn là người đóng góp lớn cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đất nước khi làm chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông cũng là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao). Ông cũng là người thành lập trường Lương Thế Vinh - trường dân lập đầu tiên của Việt Nam năm 1989. PGS Văn Như Cương còn nổi tiếng là người giỏi thơ văn, tài họa đối. Đặc biệt, ông được nhiều thế hệ học trò yêu quý, được nhiều người nể trọng bởi là nhà giáo say nghề và yêu thương học trò. PGS Văn Như Cương cũng nổi tiếng là người thẳng thắn, cương trực, luôn có những ý kiến phản biện sắc sảo để thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Nhà giáo Văn Như Cương còn được biết đến với những lời dạy học trò để đời như “Hãy trung thực, đừng dối trá, hãy vị tha, đừng vị kỷ, hãy hòa đồng, đừng đố kỵ, hãy cao thượng, đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ, đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao, đừng buông câu tục tĩu” hay như “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc... nhưng trước hết phải là những người tử tế”.

PGS Văn Như Cương đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 9/10/2017 sau 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư.

Yêu thầy bằng cả trái tim

Lễ viếng Nhà giáo Văn Như Cương kéo dài trong hơn 2 giờ. Ai nấy đều xúc động với một niềm tiếc nuối trước sự đi xa của một người thầy - một nhà giáo mẫu mực. Nhiều cựu HS khoác trên mình đồng phục riêng của lớp, nhiều HS dán hình ảnh thầy ngay trước ngực, bên trái tim, thể hiện tình cảm vô bờ bến với người thầy kính yêu.

Xúc động nghẹn ngào, anh Nguyễn Đức Thắng, HS khóa 1994 – 1997 trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, đã ra trường 20 năm, hiện đang công tác tại Học viện Quân y. Dù đang trong giờ hành chính nhưng anh cũng tranh thủ xin phép cơ quan đến tiễn biệt thầy lần cuối. "Cảm xúc về thầy, tôi khó diễn tả thành lời, mong thầy yên giấc ngàn thu, lớp lớp HS chúng tôi luôn nhớ về thầy” – anh Thắng nói. Rưng rưng nước mắt, một giáo viên của trường chia sẻ, trong số những HS ở đây, chị là người may mắn được học trường Lương Thế Vinh và trở thành giáo viên của trường 8 năm nay. “Thầy đã dạy tôi nên người như ngày hôm nay, mỗi khi nghĩ đến thầy, cảm xúc lại dâng trào trong tôi, có những lúc tôi muốn mình thật bé nhỏ để trở về ngày xưa".

Tâm nguyện cuối cùng của Nhà giáo Văn Như Cương là mong muốn được trở về thăm trường Lương Thế Vinh - ngôi trường do chính ông gây dựng lên để tạm biệt học trò. Cao quý hơn, trân trọng hơn là ông muốn dùng toàn bộ số tiền phúng viếng mình để xây trường cho trẻ vùng cao. Vì thế, con gái thầy - cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho biết sẽ làm theo di nguyện của thầy, toàn bộ số tiền phúng viếng sẽ dành xây dựng một ngôi trường tại xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, Hà Giang. Phần còn lại sẽ được đưa vào Quỹ Tình thương của nhà trường để tiếp tục hỗ trợ những mảnh đời kém may mắn, hiếu học nơi đây. Và chiều qua, sau lễ truy điệu, gia đình đã đưa thầy về qua trường Lương Thế Vinh cơ sở Nam Trung Yên và cơ sở 1 (Tân Triều, huyện Thanh Trì)...