Xúc động những câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những việc làm xuất phát từ trái tim là vầng ánh sáng lung linh, rực rỡ nhất; là động lực sống, nguồn cổ vũ động viên vô giá, thôi thúc, lan tỏa những người dân hướng tới hành trình thiện lương trong cuộc đời mình.

Sự hội tụ của “hàng trăm câu chuyện cổ tích”
Chiều 28/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ tuyên dương Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, do Bộ LĐTB&XH tổ chức.
Tham dự Lễ tuyên dương có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Thiện Nhân; Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình; Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung... Và đại diện các bộ, ngành T.Ư cùng sự hiện diện của 400 tấm gương tiêu biểu, thầm lặng vì cộng đồng.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Công tác an sinh xã hội và các chính sách xã hội của đất nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân về tinh thần và vật chất. Tuy còn nhiều khó khăn, song tỷ lệ đảm bảo ngân sách thực hiện các chính sác xã hội tăng dần hàng năm. Tổng chi của ngân sách Nhà nước cho trợ giúp xã hội năm 2019 lên đến 35 ngàn tỷ đồng.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Tập thể Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Anh Tuấn.
400 tấm gương tiêu biểu thầm lặng vì cộng đồng được tuyên dương là những thầy giáo, cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Họ là những người đã tự nguyện hiến tặng cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm người già có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa; những người khuyết tật, người bị di chứng chất độc da cam.
Họ là những nhân viên y tế đã sát cánh mấy chục năm bên những bệnh nhân hiểm nghèo, nằm liệt giường, không tự lực trong sinh hoạt, những người bị bệnh phong.
Những người được tuyên dương còn là những người dân đang thầm lặng với hàng trăm chuyến xe cứu thương miễn phí trong đêm tối để chuyên chở người bị nạn, người bệnh khó khăn cần cứu giúp. Họ còn là những người đã hiến hàng chục, hàng trăm lượt máu cho các bệnh nhân đang nằm chờ trong các bệnh viện.
Cuộc gặp mặt lần này là sự hội tụ của hàng trăm “câu chuyện cổ tích” trong đời thường. Họ là những người quản trang ngày đêm lặng lẽ trông coi hương khói, quét dọn, chăm sóc những nghĩa trang liệt sĩ. Họ là những người tham gia tích cực vào các chương trình của cộng đồng vì người nghèo, chăm sóc người có công với cách mạng, tự nguyện ủng hộ quyên góp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vào các chương trình thiện nguyện.
Những tấm gương sáng nhưng thầm lặng
Tiêu biểu cho 400 tấm gương sáng ấy là bà Nguyễn Thị Hồng (Đồng Nai) 15 năm qua dành toàn bộ tiền của gia đình xây dựng lên cơ sở cưu mang, chăm sóc 76 cụ già không người thân, không nơi nương tựa. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân hơn 30 năm chăm sóc y tế, phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong. Bác sĩ Xuân còn nấu cơm, giặt giũ, vệ sinh cá nhân, cõng người bệnh đi lại, không nề hà bệnh tật.
Tấm gương anh Đỗ Hà Cừ bị di chứng chất độc da cam rất nặng do người cha để lại, hơn 30 năm qua chỉ nằm một chỗ nhưng bằng nghị lực phi thường đã thành lập một không gian đọc mang tên Hy vọng ngay tại nhà với 4.000 cuốn sách, góp phần lan tỏa tình yêu thương và sự chia sẻ của cộng đồng để giúp đỡ những người khuyết tật.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung tại buổi lễ. Ảnh: Anh Tuấn.
Ông Hồ Văn Thương 24 năm qua tận tâm tận tụy chăm lo 4.000 phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ của huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng, tỉnh Long An.
Cả hội trường vô cùng xúc động khi tấm gương ông Bùi Công Hiệp tại TP Hồ Chí Minh) là cựu chiến binh hơn 10 năm qua tình nguyện nuôi hơn 100 trẻ mồ côi. Ông Hiệp đã quyết định tặng toàn bộ tài sản hơn 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi bằng cách ghi tên các trẻ em vào trong sổ đỏ để sau này các cháu có 1 mái nhà.
Tấm gương anh Lê Anh Tuấn, tại tỉnh Bình Dương, là “Hiệp sĩ bóng đêm” với chiếc xe riêng của mình đã chạy hơn 500 chuyến cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện để được cứu sống...
Vợ chồng cựu chiến binh Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung - Chủ tịch HĐQT của DN tại tỉnh Đồng Nai đã từ thiện bằng nhiều hình thức đến nay lên tới gần 1.300 tỷ đồng.
Giao lưu với ông Nguyễn Trung Chắt -Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng tỉnh Lạng Sơn và các con của ông lớn lên từ Mái ấm Hy Vọng đang học đại học tại Hà Nội tại buổi lễ. 
Và còn rất nhiều tấm gương khác đang lặng thầm cống hiến cho cộng đồng, những người chưa một lần được vinh danh, khen thưởng. Đặc biệt trong những ngày toàn dân căng mình đoàn kết trong phòng, chống dịch Covid-19, chống chọi lại thiên tai, lũ, bão vừa qua.
“Các bác, các cô, các chú dự cuộc gặp mặt này thực sự là những bông hoa đẹp, đại diện cho lòng nhân hậu của hàng triệu người dân Việt Nam, là biểu hiện sinh động của truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Các đại biểu gặp mặt là biểu tượng cho đức hy sinh, lòng bao dung, tình nhân ái; là mạch nguồn nuôi dưỡng, ngọn lửa thuần khiết sưởi ấm và giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động nói.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự tri ân với 400 người được tôn vinh tại buổi lễ. Đồng thời khẳng định, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu thương nồng ấm của người Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19, bối cảnh thiên tai, bão lũ kinh hoàng vừa qua, lòng tốt, tinh thần thiện nguyện trong xã hội càng được khơi lên và lan tỏa.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH tiếp tục chăm lo cho các đối tượng chính sách, là người có công với cách mạng, người cao tuổi, bảo trợ xã hội... để không ai bị bỏ lại phía sau.