Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Hà Nội: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Những năm qua tổng vốn đầu tư phát triển tăng bình quân khoảng 10%/năm, huy động vốn đầu tư xã hội tăng bình quân 15,17%; đầu tư nước ngoài trên 3.300 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 26,5 tỷ USD. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đạt 18,85%. Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn du khách với mức tăng khoảng 6,63%/năm và được bình chọn là điểm đến hấp dẫn thứ 5 trong tốp 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á.

Nhiều khó khăn

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch của TP vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, cụ thể: Trong lĩnh vực đầu tư: Danh mục dự án kêu gọi đầu tư chưa nhiều, đến nay TP mới phê duyệt được danh mục 42 dự án; thiếu các dự án trong các lĩnh vực cần thiết kêu gọi đầu tư như xử lý rác thải, nước thải, cấp nước, y tế, giáo dục) hoặc chưa đủ điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư do chưa phê duyệt hồ sơ đề xuất như dự án xử lý rác thải Nam Sơn. Công tác tháo gỡ khó khăn cho DN chưa đồng bộ, thiếu một cơ quan đôn đốc thường xuyên.
Doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tìm kiếm bạn hàng tại Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2015                              do Trung tâm xúc tiến đầu tư tổ chức. 	Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tìm kiếm bạn hàng tại Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2015 do Trung tâm xúc tiến đầu tư tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Công tác lập danh mục dự án của các quận, huyện, các sở, ngành gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin tổng hợp về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành và một số chính sách liên quan khác. Các dự án khu, cụm công nghiệp triển khai chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Cụ thể, một số khu công nghiệp trên địa bàn Sóc Sơn đã giao nhà đầu tư, nhưng đến nay các nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện, chưa giải phóng mặt bằng; khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội đã cơ bản giải phóng mặt bằng, có hạ tầng giai đoạn I nhưng công tác thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp còn nhiều khó khăn.

Trong lĩnh vực thương mại: Các DN chưa đủ thông tin để định hướng về mặt hàng xuất khẩu và thiếu thông tin về thị trường. Công tác xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Nội dung xúc tiến thương mại chưa đủ chiều sâu, chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng của các DN. Các chương trình xúc tiến thương mại mới dừng lại ở việc tham gia một số hội thảo, hội chợ trong và ngoài nước, phần lớn các DN nhỏ ít có cơ hội tiếp cận, do đó chưa phát huy được hết tiềm năng của các DN trên địa bàn TP.

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến còn thiếu. Các hoạt động xúc tiến thương mại bị hạn chế do thiếu thông tin, thiếu sự liên kết một cách hệ thống giữa các DN trong nước với nhau và giữa DN trong nước với thị trường nước ngoài.

Trong lĩnh vực du lịch: Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, DN hoạt động, kinh doanh du lịch chưa gắn kết chặt chẽ; chưa tập trung được nguồn lực để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của Thủ đô, các điểm đến du lịch ở khu vực ngoại thành nhiều tiềm năng nhưng hiệu quả khai thác tiềm năng du lịch còn hạn chế. Hoạt động xúc tiến du lịch chưa có sự liên kết tốt với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, mới chủ yếu khai thác vẻ đẹp tự nhiên, chưa phối hợp được với các DN trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại.

Hoạt động xúc tiến trên 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch chưa có tính liên kết, hiệu quả hoạt động chưa cao. Hệ thống cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực trên phân tán, chưa có cơ quan tổng hợp, vì vậy rất hạn chế trong việc thu thập, cung cấp, trao đổi thông tin, làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến một cách chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả. Vai trò của các Hiệp hội trong nước còn mờ nhạt trong việc tổng hợp hoạt động của các DN cũng như vai trò làm đầu mối tổng hợp thông tin, nhu cầu của DN để đề xuất với chính quyền TP. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa chính quyền với các Hiệp hội chưa thường xuyên và chặt chẽ nên chưa nắm bắt kịp thời được các khó khăn, vướng mắc của DN.

Đa dạng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến

Để khắc phục những yến kém trên, ngày 5/2/2015 UBND TP đã có Quyết định số 638/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HITTPC) nhằm phối hợp với các sở, ngành liên quan để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến một cách đồng bộ, hiệu quả. Với vai trò, nhiệm vụ được giao trong năm 2016, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau: Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch. Triển khai Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu về toàn bộ các dự án trên địa bàn TP; Đồng thời, từng bước thu thập cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực thương mại, ưu tiên trước cho nhóm ngành có thế mạnh như công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, nông sản…

Trên cơ sở thu thập dữ liệu trong các lĩnh vực, Trung tâm sẽ triển khai làm việc với các Hiệp hội trong và ngoài nước, các tổ chức, cơ quan đại diện như Đại sứ quán, Tham tán thương mại để cung cấp thông tin, tìm hiểu các đối tác tiềm năng trong các lĩnh vực và tổ chức liên kết các nhà đầu tư. Hàng năm Trung tâm sẽ tổ chức từ 10 - 20 hội thảo chắp nối các DN trong và ngoài nước để liên kết, mở rộng thị trường cho các DN.

Cùng các sở, ngành, quận, huyện sớm đưa Hệ thống đối thoại giữa DN và chính quyền TP vào hoạt động thường xuyên; hỗ trợ DN về thông tin dự báo thị trường trong và ngoài nước. Trung tâm cũng phối hợp với quận, huyện lập danh mục các dự án tiềm năng, dự kiến mỗi quận, huyện bình quân 7 đến 10 dự án; trên cơ sở đó phối hợp với các ngành cung cấp dữ liệu và điều kiện đủ để xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư.

Gắn kết đồng bộ cả 3 nội dung xúc tiến về đầu tư, thương mại và du lịch trong các sự kiện để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến. Tiếp tục tuyên truyền nội dung các hiệp định FTA, TPP và đề ra các giải pháp cải cách thể chế giúp cho các DN phát triển.

Khai thác các điểm du lịch tiềm năng của Thủ đô, đặc biệt là khu vực ngoại thành và thế mạnh về du lịch làng nghề. Phối hợp với chính quyền địa phương và các DN thiết kế hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch bao gồm hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại, cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực… Dự kiến Trung tâm sẽ tổ chức nghiên cứu, thiết kế đồng bộ các tour du lịch tại 5 làng nghề truyền thống và các tour kết hợp văn hóa như Hoàng Thành, Cổ Loa, Hồ Quan Sơn, Chùa Hương; khu vực Hồ Suối Hai và Hồ Đồng Quang ở Sóc Sơn.