Xung đột Airbus - Boeing tạo lợi thế cho hãng COMAC của Trung Quốc

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định bất đồng thương mại Mỹ - EU liên quan đến chương trình hỗ trợ hai nhà chế tạo máy bay của Mỹ và châu Âu là vô lý.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 10/4 nói rằng sự leo thang căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương liên quan đến chương trình trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu Airbus và hãng Boeing của Mỹ chỉ đem lại lợi ích cho nhà sản xuất máy bay Trung Quốc.
 Xung đột Airbus - Boeing là cơ hội hiếm có đối với hãng COMAC của Trung Quốc.
Washington và Brussels đã rơi vào tình trạng tranh chấp kéo dài 14 năm tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khi mỗi bên cáo buộc bên kia trợ cấp bất hợp pháp cho các nhà sản xuất máy bay của mình.
Căng thẳng thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ bùng phát hôm 8/4 sau khi chính quyền Mỹ cho biết đang cân nhắc áp gói thuế mới trị giá 11 tỷ USD đối với một loạt hàng hóa từ EU để đáp trả các khoản trợ cấp bất hợp pháp mà liên minh này dành cho công ty Airbus của Pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/4 cũng tuyên bố sẽ đánh thuế nhập khẩu đối với 11 tỷ USD hàng hóa từ EU. Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đề cập đến việc áp dụng mức thuế mới đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu.
Lý do mà Tổng thống Trump đưa ra cho quyết định của mình đó là do WTO đã đưa ra phán quyết rằng các khoản trợ cấp của EU đối với hãng sản xuất máy bay Airbus đã gây ra “những tác động có hại” cho nước Mỹ.
Ngay lập tức, EU đã chỉ trích các đề xuất mới của Mỹ nhắm vào hàng hóa châu Âu bằng chính sách thuế quan mới dựa theo phán quyết của WTO về việc khối này trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus.
EU cũng đang xem xét các biện pháp đáp trả đối với Mỹ khi nước này cũng đã trợ cấp tài chính cho hãng Boeing.
Cảnh báo áp thêm gói thuế mới của chính quyền Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Washington đang dự định nâng thuế với đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ EU.
Bộ trưởng Bruno Le Maire đã gọi cuộc xung đột giữa hai “người khổng lồ”  chế tạo máy bay của Mỹ và châu Âu là vô lý, vì hai tập đoàn này hoàn toàn có thể kết nối cũng như phụ thuộc lẫn nhau.
“Xung đột thương mại giữa Boeing và Airbus sẽ mang lại cơ hội thuận lợi cho COMAC - tập đoàn sản xuất máy bay thương mại của Trung Quốc”, hãng tin Reuters trích dẫn phát biếu của Bộ trưởng Le Maire tại Viện Quan hệ đối ngoại Pháp hôm 10/4.
COMAC là nhà sản xuất máy bay thương mại quốc gia Trung Quốc, được thành lập năm 2008, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing và Airbus.
Tập đoàn COMAC cho biết, họ đặt mục tiêu trở thành “một doanh nghiệp hàng không đẳng cấp thế giới” vào năm 2035. Nhà sản xuất máy bay Trung Quốc đã ra mắt 3 máy bay mới, song hiện mới có một chiếc phi cơ ARJ2 bắt đầu hoạt động thương mại.