Xung quanh 12 dự án của ngành công thương: Thua lỗ nghìn tỷ, nợ xấu ai chịu?

Trâm Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với 16 bộ, cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra, đôn đốc việc xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành công thương.

Nhắc lại tinh thần chung là tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà máy thua lỗ hoạt động trở lại, nhưng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cũng cần phải có những phương án, trong đó có phương án cho phá sản và bán.

Phải có phương án phá sản

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc, thận trọng, rà soát từng hạng mục, nội dung cụ thể của 12 dự án này. Tuy nhiên, nhiều nội dung nhiệm vụ được giao có tính chất phức tạp, đặc biệt là việc làm rõ và xử lý dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc liên quan đến các gói thầu EPC và công tác quyết toán của dự án. “Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo phương án xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, báo cáo Chính phủ để trình Bộ chính trị, xin ý kiến” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.

Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Hà Bắc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tại cuộc họp ngày 13/4 của Thủ tướng với Bộ Công Thương và các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty đã nghe đầy đủ báo cáo về các dự án. Trong đó, có dự án âm vốn sở hữu, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu, chưa kể các khoản nợ. Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhắc lại tinh thần chung là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà máy hoạt động trở lại thì rất tốt. Nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án, trong đó có cả phương án cho phá sản, bán. Nhưng muốn vậy, các dự án cần phải được quyết toán đầy đủ. “Muốn thực hiện được thì dứt khoát phải quyết toán, phá sản cũng phải quyết toán được trên cơ sở có kiểm toán. Yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra kế hoạch chi tiết cũng như các bộ, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhà máy xây xong bán sắt vụn

Cũng tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã trình Chính phủ đề án xử lý nợ xấu trong vòng 5 năm. Bộ Công Thương không nêu rõ tổng nợ vay ngân hàng của 12 dự án yếu kém nêu trên là bao nhiêu, nhưng nhìn từ trường hợp cụ thể của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, tổng dư nợ có thể tới hàng chục ngàn tỉ đồng và chiếm tỷ trọng lớn trong nợ quá hạn, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, còn đó những dự án vay nước ngoài và khoản vay được Bộ Tài chính bảo lãnh.

Thành viên tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, đến nhiều nhà máy thấy tan hoang. “Đầu tư một loạt nhà máy nhưng nguyên liệu không có, đầu ra không có, cứ thế đầu tư xong đắp chiếu. Trang thiết bị chưa chuẩn, khi hoạt động vướng ngay, rồi việc quản trị có vấn đề. Thế là lỗ, lỗ liên tục rồi cộng thêm cả lãi ngân hàng nữa… Một số nhà máy bán sắt vụn. Sau này các ngân hàng cho vay, các đơn vị quyết định đầu tư phải có báo cáo thật về việc này” - ông Thừa đề nghị.

Nhiều quan điểm cho rằng DN vay thì DN tự trả, ngân sách không trả thay. Thực tế chỉ ra có những dự án khoản vay nước ngoài đã chuyển thành vay trong nước và một số ngân hàng gánh thay bằng cách cho DN vay để trả nợ nước ngoài. Giờ đây tháo gỡ nợ cho 12 dự án vừa nêu, cộng với nợ của DN mà ngân hàng trong nước gánh thay là nợ xấu sẽ giảm đáng kể.

Ngoài ra, nợ đọng xây dựng cơ bản từ những dự án này năm nào cũng phát sinh và tích tụ lại qua nhiều năm. Việc ngân sách chậm thanh toán cho các DN xây dựng trong khi các đơn vị này vay ngân hàng kể cả vay vốn lưu động đã dẫn đến việc ngân hàng không thu được nợ đúng hạn. Nợ đọng xây dựng cơ bản có thời điểm chiếm đến hơn 10% của nợ xấu. Sẽ là không công bằng khi ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho nợ đọng xây dựng cơ bản triền miên từ năm này qua năm khác.

Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 4/2017. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu rõ yêu cầu, tinh thần làm việc là “phải quyết liệt, khẩn trương, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, DN”.q

12 dự án thua lỗ ngàn tỷ đồng đang đắp chiếu: 1. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; 2. Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam; 3. Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; 4. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; 5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; 6. Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc; 7. Nhà máy Đạm DAP 1 Hải Phòng; 8. Nhà máy DAP 2 Lào Cai; 9. Dự án Ethanol Bình Phước; 10. Dự án Ethanol Phú Thọ; 11. Nhà máy Đóng tàu Dung Quất; 12. Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.