Xung quanh thiết kế mẫu trụ sở phường, xã: Chuẩn hóa công năng để chống lãng phí

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự lệch pha trong dự toán kinh phí xây dựng của các trụ sở phường, xã được xem như căn nguyên để cấp quản lý tiến hành điều chỉnh khung giá về mức tối thiểu và tối đa. Tinh thần đề xuất này là không kiểm soát sự đại trà về mặt hình thức giữa cơ quan công quyền, chỉ yêu cầu thống nhất trong tiêu chí công năng.

Mức xây dựng chênh nhau chục tỷ đồng?
Chẳng phải ngẫu nhiên khi mới đây Hà Nội trưng cầu ý kiến về phương án kiến trúc trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường, xã giai đoạn 2017 - 2020, cho gần 500 trụ sở. Tất cả được nghiên cứu kỹ lưỡng bắt nguồn từ nhiều đề xuất “vênh nhau” của một số quận, huyện khi tham mưu xây dựng các trụ sở làm việc cho các xã (chưa có trụ sở hoặc trụ sở tạm). Nghịch lý nằm ở chỗ, có nơi nhu cầu đầu tư xây dựng trụ sở 12 - 15 tỷ đồng, địa bàn khác lại cần kinh phí 40 tỷ đồng.

Về đề xuất này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, cần hiểu đúng - trúng bản chất là Hà Nội không “mặc áo” chung cho các trụ sở, then chốt nhất đảm bảo công năng giống nhau, hạn chế tối đa tình trạng xây dựng các phòng ốc thừa thãi, lãng phí. "TP yêu cầu Sở QH - KT, Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát lại để việc xây dựng các trụ sở mới sau này có chung một công năng (khác việc có chung một kiểu kiến trúc), phục vụ đúng chức năng nhiệm vụ, quy mô hoạt động của xã, phường. Đồng thời, trong quá trình thiết lập hồ sơ xây dựng các dự án phải tính toán đến các vật liệu chất lượng, bền vững" – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.
 Trụ sở UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa mới được xây dựng.  Ảnh: Thanh Hải
Bên lề đề xuất của đơn vị tư vấn, đa số người dân khi hiểu đúng bản chất, đều thể hiện quan điểm đồng tình. “Tôi được biết tại nhiều địa phương, các trụ sở xây dựng hàng chục tỷ đồng, nhưng khi đưa vào sử dụng không dùng đến nhiều hạng mục. Thậm chí, có dấu hiệu thâm hụt về mặt tài chính. Việc đổ tiền xây dựng những trụ sở hoành tráng hoàn toàn không cần thiết, tương xứng với nhu cầu sử dụng. Mục đích của đề án tạo ra khung quy chuẩn để các địa phương không tự tung tự tác, sử dụng lãng phí ngân sách là hợp lý” – ông Nguyến Hùng Thuận (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho hay.

Giới chuyên môn quy hoạch xây dựng cũng nhận định, xu hướng tất yếu của đô thị loại mới chính ở quá trình tinh giản về hình thức và công năng của các tòa nhà hành chính. Đặt tiêu chí để tạo ra những sản phẩm tốt, có tính biểu tượng, phù hợp không chỉ tạo được lòng tin cho người dân mà còn tránh sự xa hoa không cần thiết. Với tư cách là đơn vị được lấy ý kiến cho đề án này, ông Đồng Phước An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhận định: “Đề án không phải đập bỏ, xây mới hết các trụ sở xã, phường. Nếu thực hiện theo các phương án đơn vị tư vấn đề ra sẽ tiết kiệm được đất, kinh phí vì quy mô xã, phường phù hợp hơn”.

Cân đối các hạng mục đầu tư

Trước động thái Hà Nội lấy ý kiến về đề xuất trên, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho hay, tinh thần đề án không phải cực đoan bắt tất cả các xã, phường giống nhau 100% về mặt hình thức. Cốt lõi nằm ở việc kiểm soát suất đầu tư trong ngưỡng nhất định theo đúng công năng.

"Đề xuất thiết kế khuôn mẫu về trụ sở làm việc của các cơ quan xã, phường, thị trấn là phù hợp với tính chuẩn hóa của cơ quan hành chính. Thực tế, tại địa bàn nhiều xã, thị trấn ven đô ỷ vào quỹ đất rộng nên xây dựng trụ sở quy mô to, hình thức cầu kỳ nhằm khuếch trương, trong khi tính sử dụng thực tiễn không cao (có nơi thậm chí bỏ hoang). Nội đô hay ngoại thành về cơ bản công năng không nên chênh nhau quá nhiều về suất đầu tư. Động thái này của cấp quản lý, ít nhất cũng là tiếng còi cảnh báo sự lãng phí không cần thiết đang tồn tại." - Nguyên Thứ trưởng

Bộ Xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm
“Hiện nay, Gia Lâm xây và sửa chữa khá nhiều trụ sở xã, thị trấn theo mẫu hình thể của ô đất, hình chữ U hoặc hình chữ nhật. Ví dụ như xây mới trụ sở xã Yên Thường, xã Phú Thị, xã Kim Sơn; sửa chữa trụ sở xã Đông Dư, Lệ Chi. Tới đây, tiến hành xây lại trụ sở thị trấn Trâu Quỳ. Tuy nhiên, dù xây mới hay sửa chữa, hình thức đều phản ánh đúng tính chất cơ quan công quyền, với màu sắc trắng ngà đảm bảo sự nổi bật, sạch sẽ. Quan trọng nhất, tuân thủ khoảng giá 12 - 14 tỷ đồng/trụ sở (tuỳ theo việc có phải GPMB hay không và cơ sở vật chất trong trụ sở thế nào)” - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, với mục tiêu hoàn thiện đề án, ông Quân cũng thẳng thắn chia sẻ, trong danh mục hiện còn thiếu phòng cho đội ngũ cán bộ trật tự xây dựng. Đồng thời, việc gộp chung hội trường vào trụ sở từ thực tiễn của huyện ghi nhận chưa hợp lý. Huyện Gia Lâm hướng xây dựng Hội trường tách riêng (quy mô 2 tầng) hoặc kết hợp vào Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao như nguồn phục vụ văn hóa lại đảm bảo cho người dân có thể sinh hoạt. Khi có hội nghị lớn sẽ tổ chức diễn ra ở đây. Còn trụ sở xã xây dựng một, hai phòng họp quy mô vừa để cán bộ, công nhiên viên họp, tránh lãng phí.

Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương cho rằng, các đơn vị trụ sở phường, xã nên chú trọng chuẩn hóa các chi tiết bên trong để phục vụ người dân tốt hơn; đảm bảo tính cân đối giữa các hạng mục đầu tư. Cái cần đặt ra là một quy định cụ thể để xây dựng các trung tâm này không xa hoa, hiệu quả trong sử dụng. Trong đó, khu chức năng giao tiếp giữa công dân và viên chức, công chức cần được quan tâm đúng mực (quy mô hợp lý, thân thiện). Kiến trúc có thể khác nhau nhưng nằm trong khuôn khổ về chi phí, quy chuẩn về hình thức.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội về kết quả kiểm tra thực trạng và nhu cầu đầu tư trụ sở xã, phường trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020, có 483 trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu, trong đó trụ sở cần xây mới là 75, bổ sung hạng mục 136 trụ sở và 118 đơn vị chỉ cần cải tạo lại.