[Ý kiến chuyên gia] Rủi ro tiềm ẩn

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu mua BĐS theo chu kỳ có dấu hiệu tăng nhẹ so với khoảng thời gian giữa năm. Do vậy, nhiều sản phẩm BĐS đã được tăng giá.

 Ông Vũ Quang Vinh – Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Đây cũng là thời điểm những người đầu cơ tung tin hỏa mù, tạo sốt đất "ảo" để kiếm lợi, khiến cho thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Vinh – Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Theo ghi nhận, ở thời điểm hiện tại, giá đất tại các huyện ngoại thành chuẩn bị được nâng cấp hành chính thành quận của Hà Nội đang có dấu hiệu tăng nhẹ. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Sau khi có thông tin 4 huyện ngoại thành Hà Nội được nâng cấp hành chính thành quận, giá đất tại các khu vực này đã tăng một cách chóng mặt. Thời điểm đầu năm 2019 giá đất tại khu vực này được cho là đã tăng từ 2 – 4 lần so với 1 – 2 năm trước đó. Vào thời điểm giữa năm, các giao dịch giảm sút, giá đất cũng đứng lại, không có dấu hiệu tăng, nhưng khi bước vào quý IV/2019 thì giá đất tại khu vực này lại đang có dấu hiệu tăng nhẹ.
Theo tôi, sự tăng giá trong thời điểm này không phải do sự tác động của thông tin quy hoạch nào mới, mà vì do nhu cầu mua BĐS vào thời điểm cuối năm của người dân nhiều hơn một chút so với thời điểm trước đó trong năm.
Chính vì xu thế này nên những người đầu cơ và môi giới đã tận dụng để tăng giá bán. Cùng với đó là tâm lý nhanh chóng mua đất xây nhà để ăn Tết nên khi đã đi tìm mua BĐS thì khách hàng có xu hướng “chốt” nhanh hơn, chứ không còn do dự, đắn đo, cân lên – đặt xuống như thời điểm trước.
Việc nhanh chóng muốn “chốt” nhanh các giao dịch có ảnh hưởng gì đến người mua, thưa ông?
- Người dân bây giờ có trình độ dân trí rất cao, trước khi mua BĐS tại khu vực hay dự án nào đó, họ cũng đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng tại khu vực đó nên cũng dễ dàng tìm được sản phẩm theo nhu cầu của mình.
Nói như vậy không có nghĩa là người mua sẽ được “bình an vô sự” khi tiến hành các giao dịch, mà ở đó giới đầu cơ và “cò” đất là những người luôn mang lại rủi ro tiềm ẩn cho người dân trong quá trình mua bán. Vì qua khảo sát, có đến trên 80% sản phẩm được rao bán trên thị trường đều qua tay môi giới. Vì điều kiện công việc, cả người bán và người mua đều chấp nhận qua kênh trung gian để tránh mất thời gian nhưng họ lại bị mất thêm những khoản phí cho kênh môi giới này.
Các kênh môi giới không chỉ ăn hoa hồng “hai mang”, mà còn có thỏa thuận ngầm với người bán về việc được phép tăng giá so với giá mong muốn của người bán. Đáng lo ngại hơn là trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số đối tượng cầm Giấy chứng nhận sử dụng đất photo của người bán, để lừa bán và cầm tiền đặt cọc của nhiều người mua đối với một mảnh đất. Với chiêu trò như vậy thì cho dù có cẩn trọng đến đâu thì nhiều người mua cũng sẽ dễ dàng bị “sập bẫy”.
Vậy theo ông, làm thế nào để tránh được những rủi ro này?
- Theo tôi, cơ quan chức năng nên siết chặt hơn trong công tác quản lý đối với các hoạt động kinh doanh, môi giới BĐS tại địa bàn của mình, để hạn chế được những rủi ro cho người dân cũng như đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng thì không đủ, người dân cũng phải tự biết cách để bảo vệ mình trước những rủi ro tiềm ẩn.
Ngoài việc tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm như quy hoạch, giá bán, tính pháp lý…, tốt nhất khi tiến hành giao dịch, người dân nên nhờ đại diện là những luật sư để tư vấn và giúp tìm hiểu kỹ càng hơn về sản phẩm mà mình chuẩn bị giao dịch, tránh những thiệt hại ngoài ý muốn.
Xin cảm ơn ông! 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần