Y tá New York: Chúng tôi chiến đấu Covid-19 không mảnh giáp

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 3/4, Mỹ ghi nhận hơn 245.300 trường hợp dương tính với Covid-19, với số ca tử vong đã vượt mốc 6.000 người. Riêng tại "tâm chấn" New York, 92.743 người đã nhiễm trùng và 2.468 người chết vì Covid-19.

Thêm giường bệnh được chuyển tới 1 bệnh viện ở Brooklyn, New York hôm 2/4.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến xấu và lệnh hạn chế đã kéo dài gấp đôi tại Mỹ, nhiều nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại New York đã tổ chức một cuộc biểu tình do tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ và các vật tư y tế khác.

"Những người lính không tham chiến mà không có súng, tại sao các y tá phải làm việc mà không có thiết bị bảo vệ?", Leyrose McIntyre, một trong khoảng 30 y tá biểu tình bên ngoài một bệnh viện ở New York hôm 2/4.

Hoạt động phản đối được dẫn dắt bởi Hiệp hội Y tá bang New York, khi các y tá trải thành các hàng rào bên ngoài Trung tâm y tế Montefiore, khu vực Bronx, trong khi vẫn cẩn thận giữ khoảng cách với nhau.

"Chúng tôi là những chiến binh ở tuyến đầu... chúng tôi không có vũ khí và mảnh giáp nào để tự bảo vệ mình trước kẻ thù", Chủ tịch hiệp hội, Judy Sheridan-Gonzalez nói với AFP.

Nhiều y tá khác cũng chia sẻ những câu chuyện của bản thân. Y tá Benny Mathew, 43 tuổi, cho biết anh đã bị nhiễm virus sau khi điều trị cho ít nhất 4 bệnh nhân Covid-19 mà không có thiết bị bảo vệ. 3 ngày sau khi anh nhận kết quả dương tính và không còn sốt nữa, bệnh viện yêu cầu anh trở lại làm việc.

Y tá New York biểu tình trong bối cảnh cách ly xã hội.

"Tôi được yêu cầu đeo khẩu trang và đi làm. Chúng tôi không có đủ nhân lực nên tôi tin rằng trở lại là nhiệm vụ của mình", anh Mathew nói, "nhưng vấn đề là tôi lo mình sẽ truyền bệnh cho đồng nghiệp, cho những bệnh nhân chưa nhiễm virus".

Business Insider dẫn lời y tá Paige, chuyên theo dõi bệnh nhân Covd-19 nặng tại một bệnh viện ở Nam California cho biết, bệnh viện của cô đang cố gắng hết sức để cung cấp vật tư y tế cho y bác sĩ trong bối cảnh thiếu hụt của quốc gia. Bệnh viện thậm chí đã đưa cho các nhân viên như Paige "một túi quà" để lưu trữ các thiết bị bảo vệ cá nhân mà mọi người sẽ phải tái sử dụng, bao gồm cả khẩu trang một lần N95.

Paige cũng cho biết, cô đã nói chuyện với các nhân viên y tế khác ở những nơi khó khăn như Seattle, và tất cả đều đang phải đưa ra quyết định khó khăn về việc nên cứu ai và phải làm gì nếu bị quá tải.

"Kể cả nếu tôi nhiễm virus nặng, gia đình tôi biết tôi sẽ không muốn dùng máy thở vì nhiều người khác có thể cần nó", Paige nói, "tôi đã chọn nghề này vì một lý do. Tôi muốn giúp đỡ mọi người trong những thời điểm họ dễ bị tổn thương nhất".

Tại Mỹ, đang có những lo ngại rằng tâm điểm bùng phát tiếp theo sau New York sẽ là bang Michigan, khi số người chết tại đây tiếp tục tăng vọt theo cấp số nhân, dù Michigan hiện có số người chết cao thứ 3 nước Mỹ, với hơn 10.791 trường hợp được xác nhận. New Jersey đứng thứ 2 sau New York với 537 ca tử vong và 25.590 ca nhiễm bệnh, tính đến ngày 3/4.